Ngày 22/4, hội nghị giao ban khoa học và công nghệ các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ 11 diễn ra tại Ninh Bình. Tại hội thảo bên lề “Khoa học và công nghệ với phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi giá trị”, đại diện một số doanh nghiệp đã chia sẻ khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Thành, đại diện doanh nghiệp chuyên sản xuất rau quả ở Đồng Giao (Ninh Bình) cho biết, mặc dù được đánh giá liên kết tốt với nông dân, các hợp tác xã nhưng công ty gặp nhiều khó khăn về thị trường, kiểm nghiệm chất lượng và quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu.
Ngoài 3.000 ha được UBND tỉnh giao sử dụng, công ty phải thuê nhiều đất sản xuất bên ngoài dẫn đến vùng nguyên liệu và việc sản xuất bị nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều, việc bố trí nguồn lực sản xuất không tập trung, áp dụng khoa học công nghệ cũng gặp nhiều khó khăn do quá manh mún. Từ đó, việc quản lý chất lượng thực phẩm cũng là vấn đề lớn.
Lấy ví dụ khi sản xuất rau chân vịt, ông Thành khẳng định công ty đã chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho nông dân, nhưng vì quá phân tán nên khó quản lý, bà con nhiều khi không làm đúng quy trình. Kết quả công ty phải đổ bỏ hàng chục tấn rau. Theo ông Thành, vấn đề quy hoạch vùng để sản xuất, chế biến nguyên liệu là cốt yếu.
Về việc đầu tư vào khoa học kỹ thuật, đại diện doanh nghiệp của Ninh Bình cho biết việc nhập khẩu giống vẫn rất phổ biến trong khi Việt Nam có đội ngũ nhà khoa học giàu kinh nghiệm. "Chúng ta cần có cơ chế, chính sách thích hợp để các nhà khoa học nghiên cứu giống theo nhu cầu thị trường", ông Thành đề xuất.
Ông Thành thông tin thêm để có thể xuất khẩu nông sản sang thị trường khó tính như Nhật Bản hay châu Âu, doanh nghiệp phải mất chi phí lớn thuê trung tâm kiểm nghiệm của nước ngoài vì Việt Nam thiếu trung tâm đủ năng lực. "Tôi mong các bộ, ban, ngành hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng các trung tâm kiểm nghiệm ở tỉnh, gắn liền với doanh nghiệp để giảm thiểu chi phí", ông Thành nói.
Đại diện doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi ở Nam Định, ông Vũ Trọng Nghĩa khẳng định công ty luôn sẵn sàng liên kết với nhân dân và đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất, nhưng còn nhiều vướng mắc. Ví dụ công ty đang xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến lợn xuất khẩu. Vốn điều lệ có 50 tỷ nhưng đầu tư vào nhà máy mất hơn 250 tỷ nên doanh nghiệp cần vay vốn. Nhưng khi làm việc với ngân hàng, ông không nhận được sự tin tưởng.
Vướng mắc nữa doanh nghiệp gặp phải là sự phân vân của địa phương khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Chính quyền nói đưa công nghệ vào thì không cần người làm dẫn đến nhiều lao động thất nghiệp. Điều này rất nghịch lý với doanh nghiệp vì nếu không đầu tư công nghệ thì không thể tăng giá trị sản phẩm.
Đại diện doanh nghiệp của Nam Định chỉ ra nhiều chính sách chưa phù hợp để có thể dễ dàng tiếp cận, đầu tư cho nông nghiệp, ví dụ yêu cầu công ty phải thể hiện được tính khoa học cao nếu muốn tiếp cận, hỗ trợ các công nghệ mới. “Việc có một phát minh mang tính khoa học cao đối với nhà khoa học cũng không dễ dàng chứ chưa nói đến doanh nghiệp", ông Nghĩa nói.
Cần ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn để phát triển nông nghiệp bền vững
Ghi nhận những đề xuất của doanh nghiệp, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng việc chỉ ra khó khăn sẽ giúp bộ, ban, ngành xác định được định hướng cơ bản để hoạt động khoa học và công nghệ của địa phương có trọng tâm, trọng điểm, đạt được hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ông Tạc nhận định trong suốt 31 năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều thành tựu lớn. Theo dõi đồ thị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể thấy đạo hàm luôn dương, tức là luôn tăng trưởng, nhưng 3-4 năm gần đây có dấu hiệu chững lại.
“Như vậy có thể nói những không gian và dư địa như khoáng sản thô, lao động rẻ… được coi là thế mạnh sẵn có trong sản xuất nông nghiệp đã được chúng ta tận dụng gần hết”, ông Tạc nói và khẳng định muốn phát triển nông nghiệp bền vững không còn cách nào khác là phải áp dụng khoa học công nghệ vào mọi khâu sản xuất, từ canh tác, thu hoạch, chế biến đến quản lý.
Thực tế hiện nay chỉ 1% tổng số doanh nghiệp cả nước đầu tư vào nông nghiệp, trong đó 60% là doanh nghiệp nhỏ. Ông Tạc cho rằng con số này là quá nhỏ bé và sản xuất nông nghiệp cần nhiều hơn sự hỗ trợ, đầu tư của doanh nghiệp. "Chúng ta không chỉ thực hiện liên kết 4 nhà mà phải đẩy mạnh liên kết 5 nhà. Các nhà quản lý, nhà đầu tư (doanh nghiệp), nhà nông, nhà khoa học và nhà băng phải kết nối chặt chẽ với nhau", ông Tạc nhấn mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tiến bộ khoa học và công nghệ đóng góp 30-40% tùy từng lĩnh vực vào tăng trưởng nông nghiệp. Con số này có thể cao hơn nếu doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn và đẩy mạnh hơn việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.
Thanh Tâm