Chiều 16/11, Đại hội biển Đông Á lần thứ 5, chủ đề "Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương - Thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các biển Đông Á sau năm 2015", khai mạc tại thành phố Đà Nẵng thu hút 700 đại biểu trong nước và quốc tế. Đại hội diễn ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đã thông qua chương trình nghị sự toàn cầu đến năm 2030.

700 đại biểu, trong đó có 400 đại biểu quốc tế tham dự Đại hội biển Đông Á lần thứ 5. Ảnh: Nguyễn Đông.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định: "Mục tiêu quan trọng nhất của Đại hội lần này là thiết lập chương trình nghị sự cho sự phát triển bền vững các biển Đông Á sau năm 2015, hướng tới xây dựng một nền kinh tế xanh, đại dương xanh".
Ông cho biết, Việt Nam đang xây dựng các công cụ thiết yếu phục vụ quản lý tổng hợp vùng bờ biển như các quy hoạch, hệ thống thông tin, dữ liệu. "Việc triển khai quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường trên toàn vùng biển, bờ biển và hải đảo sẽ giúp chúng tôi sử dụng hợp lý tài nguyên, ngăn chặn xu thế ô nhiễm môi trường, suy thoái các hệ sinh thái và đa dạng sinh học", Bộ trưởng nói.
Phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định biển và hải đảo có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng, đồng thời có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và giao thương của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong những năm qua việc khai thác sử dụng quá mức, thậm chí hủy diệt các nguồn tài nguyên, nhất là sinh vật và các hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường biển.
"Những tác động xấu do hoạt động của con người, nhất là việc xây dựng, cải tạo đảo, đá trên quy mô lớn trái quy luật, trái luật pháp quốc tế đã đe dọa nghiêm trọng tới nguồn tài nguyên, môi trường của đại dương thế giới và của biển Đông Á; ảnh hưởng tới an ninh hàng hải và chủ quyền của mỗi quốc gia, tới cuộc sống của chúng ta", ông nhấn mạnh.
![]() |
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định biển và hải đảo có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Theo Phó thủ tướng, biển luôn chiếm vị trí rất quan trọng trong tâm thức và văn hóa của dân tộc Việt Nam. "Chúng tôi có mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2020 trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển", ông nói và cho biết thủy sản, dầu khí và du lịch đã tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống... cho cư dân ven biển và nhân dân Việt Nam.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng phòng chống ô nhiễm, bảo vệ tài nguyên, môi trường và các hệ sinh thái biển để phục vụ phát triên bền vững cần sự chung tay của nhiều quốc gia, đặc biệt là của các quốc gia ven biển. Việt Nam đã tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về xây dựng, nền kinh tế xanh và phát triển bền vững; tăng cường hợp tác kinh tế biển với các nước, trong đó có các quốc gia biển Đông Á.
Chủ tịch Hội đồng đối tác các biển Đông Á, bà Mary Seet-Cheng nói, các nghiên cứu đã chỉ ra nguồn tài nguyên tại các nước Đông Á đang gặp thách thức từ sự suy thoái môi trường. Hầu như các thành phố ven biển đang nằm trong khu vực biến đổi khí hậu, đối mặt với thời tiết khắc nghiệt như bão, lũ, cụ thể như bão Haiyan vừa qua. "Chúng ta phải có hành động kịp thời. Tôi mong muốn các bên liên quan sẽ gặp nhau để thống nhất chiến lược chung", bà nói.
Nêu quan điểm "các quốc gia ven biển còn nhiều việc phải làm", bà Pratibha Mehta, Đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, hy vọng Đại hội có thể đưa ra những giải pháp phù hợp, đầu tư vào nền kinh tế xanh, nâng cao sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, giải quyết các vấn đề khu vực và quốc gia, xác định những việc nên làm và không nên làm với biển...
Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 diễn ra từ ngày 16 đến 21/11. Trong khuôn khổ của Đại hội sẽ diễn ra nhiều hội nghị, hội thảo như Một thập kỷ của quan hệ đối tác trong phát triển bền vững vùng biển Đông Á, Diễn đàn quản lý tổng hợp vùng bờ, hội thảo thông điệp Việt Nam… |
Nguyễn Đông