Tối 24/10, Bộ Khoa học và Công nghệ phát đi thông báo về lộn xộn trong việc tiêu hủy hàng giả nhãn hiệu. Theo đó ngày 21/10, Thanh tra Bộ phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Hà Nội) tổ chức tiêu hủy hàng hóa vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp. Tại đây một số cán bộ, người lao động có liên quan tự ý lấy hàng hóa vi phạm mang ra khỏi khu vực tiêu hủy.
"Đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của việc thực thi pháp luật về sở hữu công nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội", Bộ Khoa học khẳng định và cho rằng do Ban tổ chức chưa thực hiện đúng quy trình, không đảm bảo công tác tổ chức, hướng dẫn, tuyên truyền để việc tiêu hủy diễn ra đúng pháp luật.
Ngay sau vụ việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã yêu cầu Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan báo cáo chi tiết quy trình, cách thức tiêu hủy hàng hóa. Chánh thanh Bộ, các thành viên Hội đồng tiêu hủy hàng hóa vi phạm, những người lấy hàng tiêu hủy phải giải trình trước 17h ngày 25/10. Các cá nhân đã lấy hàng giả về phải hoàn trả trước 12h ngày 25/10 để tiếp tục tiêu hủy.
Căn cứ vào mức độ vi phạm, Bộ sẽ kiểm điểm, kỷ luật từng tổ chức, cá nhân theo đúng quy định pháp luật. "Bộ sẽ xử lý nghiêm, đúng người, đúng pháp luật, không bao che, không bỏ sót đối với các đơn vị, cá nhân tham gia đợt tiêu hủy có hành vi vi phạm", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ Khoa học, số lượng sản phẩm bị tiêu hủy ngày 21/10 gồm hơn 2.000 ví da, dây lưng, đồng hồ đeo tay, túi xách giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Dior, Hermes, Louis Vuitton, LV...
Trước đó trong tháng 9/2016, Thanh tra Bộ đã thực hiện 48 cuộc thanh tra về sở hữu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Qua đó, đơn vị đã xử phạt các cơ sở vi phạm 1,4 tỷ đồng với hơn 200.000 sản phẩm vi phạm.
Khôi Minh - Bình Minh