Tuần trước, các chuyên gia linh trưởng đã họp tại Singapore để đánh giá hiện trạng tất cả loài linh trưởng trên thế giới. Kết quả thảo luận cho thấy, tình trạng loài này ở Việt Nam đang ở mức đặc biệt nghiêm trọng, trong số 11 loài nguy cơ tuyệt chủng thì có 3 loài được xếp vào danh sách 25 loài nguy cấp nhất trên thế giới. Trên hình là vượn cao vít (Nomascus nasutus), mới được phát hiện trở lại vào năm 2002 ở huyện Trùng Khánh (Cao bằng) sau khi được quan sát lần cuối vào những năm 1960. Số lượng loài khoảng 130 con, do hoạt động phá rừng và săn bắn của con người. Ảnh: FFI. Vượn đen tuyền Tây Bắc (Nomascus concolor) chỉ còn khoảng 60 con ở Việt Nam. Loài này có thân hình thon mảnh, chân tay dài, không có đuôi. Con đực trưởng thành có màu đen tuyền, một số lông trắng đơn lẻ có thể xuất hiện ở góc miệng. Con cái trưởng thành màu vàng nhạt, vàng, hoặc trắng đục. Vượn đen non có màu vàng nhạt. Thức ăn của chúng là lá cây, chồi non, quả cây, côn trùng, trứng chim. Loài thường sống trong rừng thưa và theo từng nhóm nhỏ như một gia đình. Ảnh: FFI. Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) còn dưới 200 cá thể. Đây là một trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới và là loài đặc hữu của Việt Nam. Voọc mũi hếch có bộ lông nâu đen, lông trên đầu và quanh mặt trắng nhạt, không có mào lông trên đỉnh đầu. Nơi sống của voọc mũi hếch có phần đa dạng hơn các loài voọc khác, thường ở những vùng cây cao trên núi đất và thung lũng. Ở Việt Nam, chúng sống ở Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Quảng Ninh. Ảnh: FFI. Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) thường sống ở rừng kín thường xanh, rừng kín nửa rụng lá, sống thành đàn khoảng 10-15 con. Loài này phân bố ở Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định. Voọc chà vá chân xám chỉ có ở Việt Nam với số lượng dưới 1.500 con sống trong tự nhiên. Ảnh: FFI. Voọc Cát Bà còn gọi là voọc đầu vàng (Trachypithecus poliocephalus) chỉ còn dưới 60 con. Chúng là loài linh trường quý hiếm chỉ có trong các cánh rừng ẩm ướt của đảo Cát Bà với diện tích sống nhỏ hơn 100 km2. Chúng cũng nằm trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới. Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) chỉ còn dưới 200 cá thể, nằm trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp trên thế giới. Bộ lông của chúng màu đen, có mào lông trên đỉnh đầu, đuôi dài hơn thân. Loài đặc hữu này của Việt Nam thường sống thành đàn 5 đến 10 con do con đực già làm đầu đàn. Nơi sống ưa thích của voọc mông trắng là vùng rừng thứ sinh cây gỗ cao 4-5 m, mọc trên vách đá có hang động. Ở Việt Nam, voọc mông trắng sống ở Yên Bái, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ảnh: Thu Hiền. Hương Thu Xem tiếp >>>