Các nhà khoa học đều thừa nhận những ưu điểm vượt trội của cây trồng biến đổi gene (GMC) như cho năng suất cao, kháng bệnh tốt, nhưng cũng e ngại về tác động tiêu cực của nó.
Theo nhiều nhà khoa học, về mặt sinh học, việc trồng cây biến đổi gene (GMC) đại trà sẽ dẫn đến giảm tác dụng của các thuốc trừ dịch hại, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới môi trường.
Về mặt kinh tế, trồng GMC trên diện rộng sẽ dẫn đến thu hẹp diện tích và giảm nguồn gene bản địa, khiến nông dân lệ thuộc vào công ty giống nước ngoài. Về mặt y tế, các tác động của thực phẩm từ GMC tới sức khỏe con người chưa được kết luận rõ ràng.
Theo kế hoạch, cây ngô sẽ là cây trồng biến đổi gene đầu tiên trồng trên diện rộng ở Việt Nam. Ảnh: N.H. |
Theo bà Nguyễn Thị Trâm, Hội nữ trí thức, khả năng phát tán của gene biến nạp trong ngô biến đổi gene sẽ lây lan sang họ hàng hoang dại thông qua giao phấn tự nhiên. "Sự giao phấn tự nhiên sẽ làm 'siêu cỏ' kháng loại thuốc trừ cỏ hoặc làm giảm hiệu lực nhiều loại thuốc trừ cỏ, dẫn đến việc phải dùng thuốc trừ cỏ liều cao, từ đó hủy hoại môi trường", bà Trâm nói.
Bà Trâm cho rằng, Việt Nam cần chọn cách đi chậm và thận trọng, không nên đi tắt đón đầu để tránh sự lệ thuộc vào các công ty nước ngoài về giống biến đổi gene. Các cây có thể đề xuất trồng GMC không nên là cây làm thực phẩm, mà nên chọn cây công nghiệp hoặc cây làm nguyên liệu như gỗ, cao su.
Đồng tình quan điểm trên, bà Lê Thị Phi Vân, Viện chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, ngô là cây thụ phấn nhờ gió nên gene biến đổi trong ngô dễ dàng di chuyển sang cánh đồng khác và sang các cây trú ẩn của côn trùng, làm tăng khả năng phát triển của côn trùng kháng thuốc.
Bà Vân phản bác ý kiến cho rằng nếu trồng ngô biến đổi gene, Việt Nam có thể tiết kiệm nửa triệu đôla nhập khẩu mỗi năm.
"Giả sử ngô biến gene sẽ được trồng thay thế trên 50% diện tích ngô truyền thống như kỳ vọng thì muốn thay thế nhập khẩu, năng suất bình quân của ngô GM phải cao hơn ngô thường ít nhất 2 lần. Đây là một việc khó nếu không nói là không thể", bà Vân nói.
Chuyên gia này dẫn chứng, khảo nghiệm trên diện rộng giống ngô chuyển gen 30Y87H của công ty Pioneer tại 4 tỉnh là Vĩnh Phúc, Nghệ An, Đăk Lăk và Đồng Nai cho thấy, tại những điểm có áp lực sâu tự nhiên lớn như Vĩnh Phúc, giống ngô chuyển gen có năng suất cao hơn từ 17 – 35%. Tại Đồng Nai, nơi áp lực sâu đục thân thấp, năng suất của ngô biến đổi gen không khác biệt (7,4 và 7,7 tấn/ha).
"Phát triển ngô biến đổi gene ở Việt Nam có thể giảm bớt được một lượng nhỏ ngô nhập khẩu. Nhưng đổi lại, những cây trồng có lợi thế so sánh và là nguồn ngoại tệ chủ yếu của nông nghiệp Việt Nam như cà phê, gạo, hạt tiêu, điều rất có thể bị một số nước nhập khẩu từ chối nếu chúng nhiễm GMC", bà Vân nói.
Bà Vân đề xuất, trong khi tính an toàn của GMC còn chưa được khẳng định và ngành công nghệ sinh học của Việt Nam còn chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày một cao về giống thì nông nghiệp hữu cơ có thể là giải pháp tốt. Đây là hướng đi mà nhiều nước phát triển đã lựa chọn và cho thấy đó là hướng đi đúng đắn.
Không phủ nhận kết quả năng suất ban đầu của ngô biến đổi gene, nhưng tiến sĩ Lại Minh Hiền, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học khẳng định: "Chưa thể đưa ngô biến đổi gene trồng phổ biến ở nước ta".
"Ngô biến đổi gen đã được tiến hành khảo nghiệm, nhưng quy mô hẹp, thời gian ngắn; kết qủa đánh giá mới chỉ quan tâm đến các tính trạng nông học, chưa quan tâm đến những ảnh hưởng đến sức khởe con người Việt Nam và môi trường sinh thái".
Giáo sư Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cũng đưa ra lời khuyên, tại thời điểm này và trong vài thập niên tới, nước ta không nên gieo trồng GMC của các loài lúa, ngô, đậu tương và một số cây thực phẩm khác.
Trong thực tế sản xuất, chúng ta đã và đang có các bộ giống của các đối tượng trên có tiềm năng về năng suất và chất lượng đảm bảo cho việc tăng tổng sản lượng lương thực quốc gia mà không tiềm ẩn các ảnh hưởng của GMO, không gây ảnh hưởng bất lợi đến việc xuất khẩu các mặt hàng chiến lược của Việt Nam.
Trước đó, trao đổi với VnExpress, Viện trưởng viện Di truyền nông nghiệp, Lê Huy Hàm, người ủng hộ trồng ngô biến đổi gene, cho biết, Việt Nam hiện nhập khẩu 2 triệu tấn ngô/năm, trong khi diện tích ngô càng thu hẹp do nhu cầu phát triển của con người. Ông cho rằng việc đưa cây ngô biến đổi gene vào sản xuất là cần thiết. Nâng cao năng suất nông sản mới nâng cao thu nhập cho người nông dân, ông nói.
Ông Hàm cũng cho biết, kết quả trồng thử nghiệm hơn 1 ha ngô biến đổi gen trồng ở xã Mai Nham (Tam Dương, Vĩnh Phúc) đã cho thu hoạch và người nông dân rất hài lòng.
Để tạo cây trồng biến đổi gene, ông Hàm cho hay, nước ta đã thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt như chọn được cơ thể cho gene an toàn, tức là đảm bảo môi trường, sức khỏe… Sau đó, chọn phương pháp chuyển gene đảm bảo hiệu quả, an toàn cao nhất. Sau khi tạo cây biến đổi gen được đánh giá nghiêm ngặt, an toàn tuyệt đối trong phòng thí nghiệm, rồi đưa ra khảo nghiệm diện hẹp, sau khi đánh giá kết quả an toàn và trình lên Hội đồng An toàn sinh học và Hội đồng này kết luận là an toàn thì khảo nghiệm ở diện rộng.
GMC không phải là công nghệ quá mới nhưng cần chi phí lớn, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ khoa học và kỹ thuật viên giỏi. Hiện thực phẩm chế từ nguyên liệu biến đổi gene được chấp nhận tương đối rộng rãi ở Mỹ và châu Mỹ, nhưng ở châu Âu, nó là nguyên nhân gây tranh cãi gay gắt trong nhiều năm qua. Tại Trung Quốc, lúa biến đổi gene đã được trồng ở mức thử nghiệm chứ chưa đại trà. Giới chức Trung Quốc mới đây đã cảnh giác cao khi phát hiện nhiều lượng gạo biến đổi gene lọt ra thị trường.
Nguyễn Hưng - Hương Thu