Những ngày qua, tại các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học và quê hương Vĩnh Long của giáo sư Trần Đại Nghĩa diễn ra nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (13/9/1913-13/9/2013). Ông có tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ra ở Vĩnh Long và mồ côi cha từ khi 6 tuổi. Trước khi từ giã cõi đời, cha ông căn dặn người thân phải cố gắng cho ông ăn học đến nơi đến chốn để giúp nhà và giúp đời.
Chị gái của ông đã phải bỏ học để cùng mẹ làm lụng nuôi Phạm Quang Lễ được đến trường. Ông lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và chị gái. Với tư chất thông minh vượt trội, sau khi kết thúc Đệ nhất cấp trường tỉnh Mỹ Tho, ông lên Sài Gòn theo học trường Trung học Pétrus Ký nổi tiếng, bây giờ là trường THPT Lê Hồng Phong.
Giữa năm 1933, ông thi đỗ đầu hai bằng tú tài của cả Việt và Pháp. Nhưng vì nhà nghèo, không có tiền ra Hà Nội để học tiếp, Phạm Quang Lễ quyết định đi làm để giúp mẹ, giúp chị và nuôi chí chờ thời cơ.
Năm 1935, ông du học Pháp và sau những năm tháng học tập cần cù, với trí thông minh và nghị lực cao, Phạm Quang Lễ đã nhận được cùng lúc ba bằng đại học: Kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện và cử nhân toán học. Sau đó ông học lấy tiếp bằng Kỹ sư hàng không, bằng của Trường mỏ và Đại học bách khoa.
Trong 11 năm du học ở nước ngoài, ông đã âm thầm nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ và hệ thống tổ chức chế tạo vũ khí. Năm 1946, Phạm Quang Lễ theo Hồ Chủ tịch trở về quê hương. Tên Trần Đại Nghĩa là do Bác đặt cho ông năm đó để dễ dàng hơn trong hoạt động cách mạng. Đây cũng là cái tên đã đi vào lịch sử ngành chế tạo vũ khí của Việt Nam.
Đạn Bazoka
Tháng 11/1946, ông và các đồng nghiệp đã bắt tay nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu Bazoka của Mỹ. Công việc không dễ dàng, thất bại liên tiếp nhưng đã không khiến ông nản chí. Cuối cùng, tháng 2/1947, cuộc thử nghiệm Bazoka thành công. Mức đâm xuyên của đạn vừa chế tạo đạt độ sâu 75 cm trên tường gạch, tương đương đạn Bazoka do Mỹ chế tạo. Vũ khí mới xuất hiện đã khiến quân Pháp hoang mang.
Ngày 3/3/1947 đã trở thành một mốc son của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, khi đạn Bazoka góp phần bẻ gẫy cuộc tấn công của địch ở vùng Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Tây cũ). Trong chiến dịch Thu Đông năm 1947, Bazoka còn bắn chìm cả tàu chiến Pháp trên sông Lô. Sau này, Cục Quân giới tiếp tục sản xuất hàng loạt đạn Bazoka với tầm xa tới 600 m và phạm vi sát thương 50 m.
Súng SKZ
Sau đạn Bazoka, những năm 1948 - 1949, ông Trần Đại Nghĩa và các đồng nghiệp trong Cục Quân giới bắt đầu nghiên cứu và chế tạo loại súng có sức công phá mạnh - súng không giật SKZ. Đây là dòng vũ khí hiện đại, mới xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa của Nhật Bản hồi cuối chiến tranh thế giới thứ hai.
SKZ là loại súng hạng nặng có trọng lượng 20 kg, đầu đạn lõm, dùng để bắn vào những pháo đài kiên cố của địch, đầu đạn xuyên thủng bê tông dầy. SKZ Việt Nam xuất trận lần đầu trong trận Phố Lu, đánh phá nhiều lô cốt địch. Năm 1950, tại chiến trường Nam Trung Bộ, trong một đêm, với loại súng không giật này ta đã loại bỏ 5 đồn giặc. Địch hoảng sợ tháo chạy khỏi hàng loạt đồn bốt khác.
Bom bay
Để có thể đánh đòn chí mạng vào các điểm co cụm của địch, Trần Đại nghĩa tiếp tục nghiên cứu chế tạo loại bom bay tương tự loại V1, V2 của Đức. Sau đó ông đã tạo ra loại bom bay được cho là có sức tấn công chẳng kém gì so với V1, V2. Ngoài ra, ông cũng tạo ra thành công loại tên lửa nặng 30 kg có thể đánh phá các mục tiêu ở cách xa 4 km.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trần Đại Nghĩa đã góp phần to lớn trong cuộc chiến chống máy bay B-52 , phá hệ thống thủy lôi của địch và chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho Bộ đội Đặc công. "Ông vua" vũ khí của Việt Nam Trần Đại Nghĩa mất chiều ngày 9/8/1997 và tên tuổi của ông luôn gắn liền với lịch sử ngành quân giới Việt Nam.
Hương Thu