Tuyên bố này được các nhà thiên văn của Đại học Wisconsin-Madison và phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA (Mỹ) đưa ra, sau khi nghiên cứu loạt ảnh mà đài thiên văn Hubble chụp được trong hơn 6 năm qua, từ 1996 đến 2002. Các bức ảnh cho thấy những dải mây ôm lấy hành tinh này, hầu hết ở bán cầu nam, đang có xu hướng rực sáng lên.
![]() |
Đang là mùa xuân trên sao Hải Vương, nghĩa là các đám mây trên bán cầu nam của nó sẽ sáng liên tục trong vòng 40 năm. |
“Những dải mây của sao Hải Vương đã mở rộng ra và sáng hơn”, Lawrence Sromovsky, một chuyên gia hàng đầu về bầu khí quyển của sao Hải Vương, cho biết trong một cuộc họp báo mới đây. “Sự thay đổi này dường như là hành vi phản ứng trước những thay đổi theo mùa trong ánh sáng mặt trời, giống như sự thay đổi theo mùa mà ta thấy trên trái đất”, ông nói.
Hải Vương tinh từ lâu đã nổi tiếng với mô hình thời tiết cuồng loạn và kỳ lạ. Bão luôn vần vũ nơi đây và gió có thể gào thét với tốc độ 1.400 km/giờ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên người ta biết tới sự thay đổi thời tiết theo mùa trên hành tinh này.
Vào năm 1996, 1998 và 2002, nhóm nghiên cứu đã quan sát hết một vòng quay của sao Hải Vương quanh trục của nó. Các bức ảnh của Hubble đều cho thấy, có những dải mây sáng rực đang ôm lấy bán cầu nam. Phát hiện này cho kết quả tương đồng với những quan sát trước kia, cho thấy xu hướng tương tự đã xuất hiện từ năm 1980.
Sromovsky cho biết Hải vương tinh có thể có 4 mùa, giống như trái đất. “Mỗi bán cầu có một mùa hè ấm áp và một mùa đông lạnh lẽo, với xuân và thu là hai mùa chuyển tiếp. Hai mùa trung gian này có thể có hoặc không có những đặc điểm động lực đặc trưng". Nhưng vì hành tinh này mất gần 165 năm mới hoàn tất một vòng quay quanh mặt trời, nên mỗi mùa của nó sẽ kéo dài nhiều thập kỷ, chẳng hạn, mùa xuân có thể diễn ra trong hơn 40 năm. Điều đó có nghĩa là nếu hành tinh này đang ở trong một mùa nào đó, nó sẽ tiếp tục rực sáng như vậy trong 20 năm nữa.
Sromovsky nhận định dường như thời điểm này đang là mùa xuân trên bán cầu nam, và giống như phân bố trên trái đất, mùa thu đang có mặt trên bán cầu bắc sao Hải Vương.
Hải Vương tinh quay quanh một trục nghiêng 29 độ về phía mặt trời (so với 23,5 độ của trái đất), khiến ánh sáng mặt trời phân bố trên hai bán cầu ở cùng thời điểm là khác nhau, tạo nên hình thái mùa của nó. Nhưng nhìn từ phía hành tinh này, mặt trời mờ nhạt hơn 900 lần so với nhìn từ trái đất, nghĩa là ánh sáng tới đây yếu hơn rất nhiều lần, do đó, các nhà khoa học khó mà tin rằng một sự thay đổi nhỏ trong lượng ánh sáng mặt trời như vậy có thể tạo ra các mùa trên Hải Vương tinh. "Dường như ở đây, chỉ cần một lượng năng lượng không đáng kể cũng đủ để vận hành chiếc máy khí quyển của sao Hải Vương. Và nếu thế thì chiếc máy đó hẳn đã đươc bôi trơn tốt đến mức số năng lượng này có thể tạo ra rất nhiều hiện tượng thời tiết", Sromovsky nhận xét.
Một yếu tố khác ủng hộ ý tưởng cho rằng tồn tại các mùa trên Hải Vương tinh đó là vùng xích đạo của hành tinh này hầu như không có các biến động về thời tiết. Nó tương tự như mô hình trên trái đất, nơi mà những thay đổi theo mùa mạnh nhất chỉ diễn ra trên hai cực.
B.H. (theo Discovery)