![]() |
Bão đổ bộ vào Việt Nam gây nhiều thiệt hại nặng nề về người và của. |
ENSO là từ dùng để chỉ về các nhiễu động nhiệt độ của nước biển vùng xích đạo Thái Bình Dương. “ENSO nóng” là hiện tượng El Nino, còn “ENSO lạnh” ứng với hiện tượng La Nina.
Nghiên cứu cho thấy, trong những năm xảy ra El Nino, tại khu vực bắc Trung bộ, mưa mùa hè giảm mạnh, ngược lại mưa mùa đông tăng, dẫn đến nguy cơ hạn hán cao vào mùa hè trong các năm El Nino và vào mùa đông trong các năm La Nina. Ngược lại, vùng này có nguy cơ úng ngập cao vào đầu mùa đông trong các năm El Nino và vào mùa hè trong các năm La Nina.
Tây Nguyên có nguy cơ bị hạn nặng vào mùa hè trong các năm La Nina. Nam Trung Bộ có nguy cơ bị hạn vào các năm El Nino và ngược lại là nguy cơ ngập úng nặng trong các năm La Nina.
Cũng trong thời kỳ La Nina, miền bắc thường bị lạnh hơn, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất vụ đông xuân.
Bão trong các năm ENSO
Trong các năm El Nino, thường ít có bão đổ bộ vào Việt Nam, nhưng cường độ lại mạnh hơn so với mức trung bình. Trong các năm La Nina, số lượng bão dổ bộ nhiều hơn các năm El Nino và thường dồn dập vào dải Nam Trung Bộ trong các tháng cuối năm.
Thực tế cho thấy, ngay sau El Nino 1997-1998 là La Nina mạnh từ 1998-2000, gây ra ra ngập lụt nặng nề ở miền Trung và khá nhiều trận bão liên tiếp đổ bộ quanh dải miền Nam Trung Bộ vào các tháng cuối năm.
Có thể thấy chu trình ENSO gồm 3 pha: pha cực lạnh, pha cực ấm và thời kỳ bình thường của nhiệt độ mặt nước biển vùng trung tâm xích đạo Thái Bình Dương.
Bão các năm Non-ENSO ở Việt Nam
Tây - bắc Thái Bình Dương là một trong những vùng có nhiều bão và có cường độ mạnh nhất trên thế giới. Bão hình thành ở khu vực này chiếm tới 36% tổng số trên toàn cầu. Việt Nam và vùng biển Đông chịu ảnh hưởng bão từ hai nguồn, một phát sinh từ vùng bắc Thái Bình Dương và một hình thành ngay tại biển Đông.
Sự đe doạ của bão hình thành ngay tại biển Đông thường được chú ý ở mức độ cao, bởi lẽ chúng tồn tại rất ngắn so với bão hình thành tại bắc Thái Bình Dương, đôi khi rất gần lục địa, do đó gây khó khăn cho công tác dự báo và phòng chống. Nhiều cơn bão hình thành tại biển đông chỉ tồn tại trong vòng 48 giờ, ngược lại các cơn bão ở bắc Thái Bình Dương có thể tồn tại hơn 10 ngày. Thường bão biển Đông gây ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng.
Số lượng bão hằng năm đổ bộ vào Việt Nam dao động rất thất thường. Những năm có số cơn bão đổ bộ nhiều nhất: 9 cơn vào năm 1964, 1989, ít nhất: 1 cơn năm 1957, 1959 hoặc không có cơn nào năm 1976. Trung bình hằng năm có 4,3 cơn đổ bộ vào Việt Nam.
Thống kê cho thấy, số lượng bão vào Việt Nam trong các năm ENSO dao động thất thường hơn so với trong các năm Non-ENSO. Những năm ít bão nhất thường rơi vào các năm El Nino.Trong thời kỳ này, tần suất bão trung bình là ít nhất, ít hơn so với năm La Nina khoảng 1,2 cơn.
Bão đổ bô Việt Nam nhiều nhất chính là vào các năm Non - ENSO (4,9 cơn/năm), lớn hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 14%. Và cũng trong các năm này, mùa bão đến sớm và kéo dài nhất (so với các năm ENSO khoảng 1 tháng). Bão đổ bộ vào nước ta nhiều nhất trong tháng 10, gần như gấp đôi trong tháng 9 và 11.
(Theo Lao Động)