Phòng nghiên cứu tại Đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM do Bá Hải lập năm 2010 đã mở lớp học dạy ngôn ngữ lập trình đồ họa trực quan cho sinh viên và những người có nhu cầu học. Mức học phí là 1 USD mỗi khóa.
"Tiền bạc cũng quan trọng, nhưng tiền với mình không phải là tất cả", Bá Hải, 29 tuổi, nói. "Tôi muốn trở về để nghiên cứu và giảng dạy khoa học kỹ thuật. Mức phí 1 USD đặt ra là nhằm tránh tình trạng đăng ký ảo ở các khóa miễn phí".
Số học viên của khóa hiện khoảng trăm người, thuộc nhiều thành phần trong xã hội. Có những sinh viên sau khi tốt nghiệp khóa đã trở lại cùng nghiên cứu với Bá Hải.
Nguyễn Bá Hải và chiếc nón cho người khiếm thị. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Một trong số các nghiên cứu thành công của Hải là sản phẩm "Chiếc nón kỳ diệu" dành cho người khiếm thị. Đeo nón vào, người khiếm thị sẽ cảm nhận và tránh được các vật cản giúp họ di chuyển dễ dàng hơn.
Bá Hải cho biết chiếc nón đã trải qua 7 lần thử nghiệm, kể cả trong phòng thí nghiệm với nhiều vật cản hay di chuyển thực tế bên ngoài. Mức giá ban đầu của sản phẩm này là 20 triệu đồng nhưng hiện nay nhóm nghiên cứu đã giảm kích thước cho gọn nhẹ hơn, hạ giá thành xuống còn khoảng 5-6 triệu đồng mỗi chiếc.
Sắp tới, 4 chiếc nón này sẽ được tặng cho Hội người mù Thủ Đức.
Con đường đến với lớp học 1 USD của Bá Hải bắt đầu từ năm 2001 khi anh vào học Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM. Ngoài việc chính là học ở trường, anh còn đi bán sách cũ, bán dạo mắt kinh và đồng hồ để kiếm sống.
Sau khi nhận được học bổng thạc sĩ ở Hàn Quốc, Bá Hải theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu và đã được nhận 3 bằng phát minh sáng chế của nước này. Luận văn thạc sĩ của Hải đạt điểm tối đa 100.
Ở tuổi 28 tuổi, Hải bằng tiến sĩ trước thời hạn chuyên ngành biorobotics (robot sinh học) tại Hàn Quốc với bằng khen đề tài tiến sĩ tốt nhất. Sau đó anh được giới thiệu làm ở Viện ôtô quốc gia Hàn Quốc với mức lương tháng tới 5.000 USD cùng nhiều lời mời từ các công ty danh tiếng khác.
Nhưng ở lại nước bạn làm việc không phải là ước mơ của Hải. Khao khát của anh là chế được những sản phẩm đi vào thực tế, giúp cộng đồng, và một phòng nghiên cứu lớn hơn. Anh quyết định quay về Việt Nam và thế là lớp học 1 USD ra đời.
Khóa học 1 USD của Nguyễn Bá Hải. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Ngoài giảng dạy kỹ thuật, Hải còn sáng lập câu lạc bộ Tiếng Anh của trường Đại học Sư phạm kỹ thuật. Chàng trai trẻ vừa lập gia đình cho biết mọi người thường hay gọi mình là "con ma" do luôn rời phòng thí nghiệm lúc khuya, còn vợ thì thường xuyên phải thức giấc lúc 2-3h sáng, mỗi khi anh có phát minh bất chợt và lấy giấy bút ra ghi lại. "Rất may là vợ hiểu và yêu mình", Hải nói.
Kiên Cường