Bộ Khoa học và Công nghệ vừa khởi động Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam chiều qua.
Mỗi năm, Việt Nam có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, trung tâm và viện nghiên cứu, tổ chức trong và ngoài nước đăng ký tại Việt Nam, của các cá nhân đơn lẻ. Nhưng việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu còn hạn chế.
Để tìm hướng đi nhằm khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ, thúc đẩy việc thương mại hóa các nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khảo sát việc thương mại hóa công nghệ theo mô hình đã hoạt động thành công ở Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc....theo Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon tại Việt Nam”.
Mục tiêu của Đề án là tạo ra hệ sinh thái gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp được đào tạo để nâng cấp chính sản phẩm của bản thân, được các cố vấn truyền đạt bí quyết kinh doanh tư vấn trong chương trình thúc đẩy khởi nghiệp (BA) nhằm thu hút vốn đầu tư mạo hiểm để xây dựng hệ thống doanh nghiệp khoa học công nghệ thành công. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ thành công là phải có sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, mô hình, chiến lược kinh doanh khả thi và có đội ngũ đủ năng lực thực hiện mô hình và chiến lược đó.
Việc triển khai đề án này còn tạo môi trường để thu hút chất xám thông qua xây dựng hệ thống BA. Hệ thống này bao gồm các doanh nhân thành đạt, các nhà đầu tư mạo hiểm thành công, các luật sư, các chuyên gia công nghệ… đến từ Silicon Valley (Mỹ).
Thung lũng Silicon là trung tâm công nghệ cao của Mỹ. Đây là thị trường, nơi các công nghệ mới gặp gỡ với nhà đầu tư mạo hiểm và kết hợp lại trở thành những doanh nghiệp khởi nghiệp với mức tăng trưởng nhanh chóng. Nơi đây cũng phản ánh toàn bộ tình hình về đầu tư mạo hiểm cho công nghệ tại Mỹ, là biểu tượng cho một văn hóa của những đổi mới và đầu tư mạo hiểm.
Theo mô hình xây dựng, Thung lũng Silicon tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực công nghệ ngay từ khi còn là ý tưởng. Các doanh nghiệp này thành công sẽ tạo ra một chuỗi phản ứng đổi mới và thay đổi nền kinh tế, từ các sản phẩm với giá trị thấp, tiêu tốn nhiều nhân công thành các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị cao.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ được đưa ra đánh giá, xem xét mức độ phù hợp đáp ứng nhu cầu của thị trường, xã hội và khả năng thương mại hóa. Các nhà khoa học không chỉ được tư vấn về đề tài chuyên môn, mà còn được đào tạo về kỹ năng quản lý căn bản, kỹ năng thuyết trình, lập kế hoạch kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhà khoa học không chỉ là những người nghiên cứu mà còn là những doanh nhân, kinh doanh trên chính sản phẩm nghiên cứu của mình, có thể tự quản lý hoặc phát triển công trình nghiên cứu đó một cách độc lập.
Trong giai đoạn 2013 – 2014, Đề án sẽ thực hiện một chương trình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp cho học viên là các doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng tại Việt Nam do các chuyên gia có kinh nghiệm đến từ Thung lũng Silicon Mỹ hướng dẫn thực hiện; tổ chức sự kiện Ngày khởi nghiệp (Demo Day) cho các học viên tốt nghiệp chương trình đào tạo hỗ trợ khởi nghiệp; thành lập quỹ đầu tư xã hội dành cho ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam được đặt tên “Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam – Startup Vietnam Foundation”...
Hương Thu