![]() |
Bức ảnh minh họa này cho thấy tầm nhìn của Galileo vài giờ trước cú va chạm chết chóc. |
Kế hoạch tự hủy này được NASA lập trình để ngăn ngừa việc Galileo va chạm với các mặt trăng của sao Mộc và reo rắc các vi khuẩn trái đất mà nó vô tình mang theo xuống đó - nơi được xem là một trong những khu vực hứa hẹn nhất có thể có sự sống ngoài trái đất.
Ngay trước 18h57’ giờ GMT ngày 21/9, con tàu rơi vào im lặng, trượt qua phía ngoài Mộc tinh. Vài phút sau đó, nó rít lên khi lao qua những đám mây trên vùng trời ban đêm của hành tinh này, nằm ở phía nam xích đạo, với tốc độ hơn 160.000 km/h. Các nhà thiên văn phỏng đoán rằng nhiệt độ cực cao cùng với áp suất nén cực lớn lên con tàu (ở thời điểm đó là gấp 20 lần áp suất tại mực nước biển của trái đất) có thể đã biến Galileo thành hơi. Mặc dù vậy, trước những giây phút cuối, Galileo vẫn cố gắng duy trì các thiết bị của nó, cho các nhà khoa học một cơ hội để thực hiện những quan sát sau cùng về bầu khí quyển ngoài của Mộc tinh.
![]() |
Tàu Galileo trước giờ xuất phát vào năm 1989. |
Con tàu mang tên của nhà thiên văn học lừng danh người Italy thế kỷ 17 - Galileo Galilei - người đã khám phá ra 4 mặt trăng của Mộc tinh là Ganymede, Callisto, Io và Europa. Nó đã vượt qua quãng đường hơn 4,5 tỷ km trong chuyến bay xuyên thế kỷ, quay vòng quanh Mộc tinh 34 lần, gửi về trái đất 14.000 bức ảnh và các dữ liệu khác trong gần 8 năm qua. “Galileo đã cung cấp một cơ sở dữ liệu khổng lồ, sẽ là nguồn tài nguyên quý giá cho khoa học hành tinh trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ tới”, Fred Taylor, giáo sư vật lý tại Đại học Oxford, Anh, người đã làm việc trong chương trình này 30 năm, nhận xét. “Chuyến bay đã cung cấp những thông tin cơ bản về Mộc tinh và vị trí của nó trong hệ mặt trời”.
Hiện tại, NASA đang có kế hoạch trở lại sao Mộc với một thế hệ tàu không gian mới. Được tiếp sức bằng lực đẩy ion và các lò phản ứng hạt nhân nhỏ, tàu Jupiter Icy Moon Orbiter (hay JIMO) có thể sẽ được phóng lên quỹ đạo xung quanh các mặt trăng riêng lẻ của hành tinh này. NASA hy vọng có thể khởi động nó trong vòng 1 thập kỷ tới. Chuyến bay mới sẽ có sức mạnh khám phá gấp 100 lần so với Galileo.
Bích Hạnh (theo BBC, CNN)