Theo Live Science, khi khai quật một nhà vệ sinh có niên đại 2.000 năm trên Con đường tơ lụa ở tây bắc Trung Quốc, các nhà nghiên cứu phát hiện trứng sán Trung Quốc, một loại sán sống ký sinh thường được tìm thấy ở cách đó ít nhất 2.000 km.
"Đây là bằng chứng đầu tiên về sự lây lan của bệnh truyền nhiễm dọc theo Con đường tơ lụa", Piers Mitchell, nhà cổ sinh vật bệnh học tại Đại học Cambridge, Mỹ, cho biết.
Các nhà khảo cổ tìm thấy phân còn sót lại trên các "que vệ sinh cá nhân", những que gỗ hoặc tre quấn vải ở một đầu được người cổ đại dùng sau khi đi vệ sinh. Nhóm nghiên cứu kiểm tra 7 que có chứa phân dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu của ký sinh trùng cổ đại.
Họ tìm thấy trứng của 4 loài giun sán ký sinh khác nhau, trong đó có sán lá gan Trung Quốc, một loại ký sinh trùng có thể gây đau bụng, tiêu chảy, vàng da, và thậm chí ung thư gan.
Trứng sán ký sinh được phát hiện tại khu khảo cổ có tên Xuanquanzhi, một trạm trung chuyển lớn trên Con đường tơ lụa ở tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 109. Các nhà nghiên cứu cho biết, trạm dừng 2.000 tuổi này là một trong những trạm phổ biến trên con đường tơ lụa, nơi thương lái nghỉ ngơi, còn các quan chức đổi ngựa và chuyển thư.
Các loại ký sinh trùng khác được tìm thấy trong phân ở nhà vệ sinh cổ đại này bao gồm giun tròn, giun tóc và sán dây.
Sán lá gan Trung Quốc thường xuất hiện ở các vùng đầm lầy, khu vực ẩm ướt, phổ biến nhất ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Theo các nhà khoa học, sán Trung Quốc không thể tự vượt qua quãng đường 2.000 km để đến rìa phía đông của lòng chảo Tamrin khô cằn ở phía bắc Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu suy đoán thương lái đến trạm nghỉ nhiễm giun sán sau khi ăn phải thực phẩm chứa trứng ký sinh trùng.
Xem thêm: Mộ cổ 2.000 năm cạnh con đường tơ lụa trên biển
Vân Du