“Các vết thương trên mình cụ Rùa đã se lại, không còn lở loét, kết thúc quá trình bôi thuốc, không có biểu hiện bị bệnh bên trong", tiến sĩ Bùi Quang Tề, trưởng nhóm chẩn đoán và chữa trị rùa hồ Gươm cho biết.
"Các chuyên gia y tế thống nhất đưa cụ vào khu điều dưỡng với diện tích rộng hơn bể chữa thương”.
Theo tiến sĩ Tề, lưới nhấc cụ Rùa khỏi bể chữa trị sang bể khu điều dưỡng được kiểm tra rất kỹ, tránh trường hợp Rùa giãy giụa ra ngoài.
“Chỉ cần nghỉ ngơi trong khoảng từ 2 đến 3 tháng, cụ Rùa hoàn toàn có thể bình phục, và trở lại môi trường hồ Gươm quen thuộc”, ông Tề khẳng định.
Tuy nhiên, điều mà trưởng nhóm y tế lo ngại là môi trường hồ Gươm chưa nạo vét xong. “Nếu chữa trị xong cho cụ Rùa mà hồ Gươm chưa được làm sạch thì coi như trở về con số 0”, ông Tề nói.
Cũng trong ngày 9/4, trước khi đưa cụ vào khu điều dưỡng, lần đầu tiên tổ y tế cân cụ Rùa lên để xác định trọng lượng. Theo đó, trọng lượng chính xác của cụ được xác định là 169 kg, dài 1,6m, rộng 0,8m, nhỏ và nhẹ hơn so với tiêu bản trong đền Ngọc Sơn.
Tiêu bản cụ rùa đang ngự trong đền Ngọc Sơn được xác định là nặng tới 250 kg, rộng 1,2m và dài 2,1m.
Kết quả này trái ngược lại với nhận định trước đó của nhiều nhà khoa học trong nước khi họ cho rằng, cụ Rùa hiện tại có kích thước và cân nặng lớn hơn cụ Rùa trong đền Ngọc Sơn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người nghĩ rằng trong hồ Gươm còn cụ Rùa thứ hai.
Tiến sĩ Tề cũng cho biết, khoảng tuần nữa là biết kết quả AND cho kết luận cuối cùng về giống loài, giới tính, và tuổi của rùa hồ Gươm.
Hương Thu