Theo Gizmag, STAR bao gồm một cánh tay robot trang bị dụng cụ khâu vết thương cùng với hệ thống chụp ảnh 3D và cảm biến cận hồng ngoại theo dõi đường đánh dấu huỳnh quang dọc theo mép mô do các nhà nghiên cứu vạch ra. Ca phẫu thuật diễn ra dưới sự chỉ dẫn của "thuật toán khâu chỉ tự động" được phát triển riêng cho hệ thống.
Trong thử nghiệm, STAR có thể khâu ruột lợn như các bác sĩ phẫu thuật tham gia nghiên cứu. Nhằm đánh giá mức độ thành công của hệ thống STAR, kết quả của nó được so sánh với 5 bác sĩ phẫu thuật khác có ít nhất 7 năm kinh nghiệm. Cỗ máy cũng được so sánh với ba quy trình phẫu thuật khác nhau là mổ hở, mổ nội soi và mổ với cánh tay robot hỗ trợ.
Trong mọi trường hợp, STAR đều tỏ ra không thua kém, thậm chí vượt trội hơn con người, dù cỗ máy cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành ca mổ trong mổ hở và mổ với cánh tay robot hỗ trợ. Một tuần sau ca phẫu thuật, những con lợn vẫn sống sót và không bị biến chứng.
"Chúng tôi không nhận thấy khác biệt đáng kể nào trong vị trí đặt mũi khâu ở mọi kỹ thuật mổ. Điều này chỉ ra STAR khéo léo không kém các chuyên gia phẫu thuật khi khâu mô mềm", nhóm nghiên cứu cho biết.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh phẫu thuật viên theo dõi cỗ máy sát sao khi nó hoạt động và có thể nhanh chóng cho nó dừng lại nếu lỗi xảy ra. Hệ thống STAR còn phải trải qua nhiều năm nghiên cứu và hoàn thiện trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng để đánh giá độ an toàn của nó với con người trước khi chờ nhà chức trách thông qua.
Xem thêm: Robot chết vì phóng xạ ở nhà máy hạt nhân Fukushima.
Phương Hoa