Máy bay không người lái bay vào ban đêm. Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp. |
Theo thông báo của Viện Công nghệ Không gian, 6 máy bay không người lái của viện sáng qua thực hiện 10 chuyến bay phối hợp nghiên cứu giữa các Viện chức năng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Tối ngày 25/5, các máy bay thực hiện chương trình bay đêm với 4 chuyến bay hướng ra biển Đông 50 km, chế độ bay hoàn toàn tự động theo đúng hành trình do Ban chỉ huy phê duyệt. Các máy bay này được trang bị camera hồng ngoại, máy ảnh gắn ống kính hồng ngoại chuyên dụng chụp đêm phục vụ cho chương trình nghiên cứu.
Cũng trong ngày 25/5, những máy bay không người lái cất cánh tại bãi biển huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, cách thành phố Nha Trang 100 km về phía bắc, để bắt đầu chương trình bay phục vụ nghiên cứu khoa học biển trên vùng biển miền Trung.
Máy bay thực hiện tổng cộng 36 chuyến bay, đảm nhận hành trình bay ghi hình, chụp ảnh đo phổ hệ sinh thái, ngư trường ven biển, các loài sinh vật thủy sinh, thảm thực vật, diện tích san hô, phân bổ các hợp phần nền đáy Vịnh Vân Phong, nhiệt độ mặt nước biển, đo phù sa bồi lắng tại các cửa sông/biển, rừng ngập mặn, vùng sạt lở ven biển, chuẩn hóa ảnh chụp từ vệ tinh và phát hiện vùng cá tiềm năng phục vụ bà con ngư dân.
Máy bay bay đêm hướng ra Biển Đông. Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp. |
Tiến sĩ Phạm Ngọc Lãng cho biết, kết quả bay thử nghiệm thành công phục vụ chương trình “Tây Nguyên 3” tại Đà Lạt và kết quả bay thử nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học biển (cả bay ngày và bay đêm) tại Nha Trang, đã giúp nhóm nghiên cứu của tiếp tục hoàn thiện các máy bay, đưa vào sản xuất hàng loạt, phục vụ hoạt động bay biển nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.
Hương Thu