Theo International Business Times, do ánh sáng phát ra từ thiên hà cần hàng tỷ năm để đến Hubble, chiếc kính viễn vọng khổng lồ này đang "nhìn lại" thuở sơ khai của vũ trụ.
"Chúng tôi đã đạt một bước tiến lớn ngược dòng thời gian, vượt quá những gì chúng tôi mong đợi ở Hubble. Chúng tôi có thể quan sát GN-z11 khi vũ trụ mới chỉ ở 3% độ tuổi ngày nay", nhà nghiên cứu Pascal Oesch ở Đại học Yale, Mỹ, cho biết. Phát hiện được công bố hôm qua trên tạp chí Vật lý Thiên văn.
Kỷ lục thiên hà xa nhất thay đổi nhiều lần trong năm qua. Đài thiên văn Keck ở Hawaii, Mỹ, tìm thấy thiên hà EGS-zs8-1 cách Trái Đất 13,1 tỷ năm ánh sáng. EGS-zs8-1 giữ ngôi thiên hà lâu đời nhất trong vũ trụ cho đến khi các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ California (Caltech) có thể quan sát thiên hà EGS8p7 ở khoảng cách 13,2 tỷ năm ánh sáng. Với phát hiện mới, GN-z11 chính thức giữ kỷ lục là thiên hà xa nhất và lớn tuổi nhất vũ trụ.
Các nhà nghiên cứu sử dụng máy ảnh phạm vi rộng Wide Field Camera 3 của Hubble để xác định khoảng cách của GN-z11. Việc đo thay đổi trong bước sóng quang phổ đỏ theo sự giãn nở của vũ trụ có thể giúp các nhà khoa học tìm ra một ngôi sao hoặc thiên hà ở cách Trái Đất bao xa.
Sau khi xác định khoảng cách, các nhà thiên văn sử dụng dữ liệu thu thập từ kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA để nghiên cứu sâu hơn về thiên hà cổ xưa. GN-z11 nhỏ hơn 25 lần so với dải Ngân Hà, nhưng trải qua tốc độ hình thành sao nhanh hơn gấp 20 lần.
"Thật thú vị khi biết một thiên hà lớn như vậy đã hiện diện chỉ sau khi những ngôi sao đầu tiên hình thành 200-300 triệu năm", nhà nghiên cứu Garth Illingworth ở Đại học California, Santa Cruz, chia sẻ.
Khoảng cách của GN-z11 được cho là nằm sát mép trường quan sát của Hubble. Những thiên hà cùng tuổi hoặc lớn tuổi hơn chắc chắn sẽ do phiên bản kế nhiệm, kính viễn vọng không gian James Webb, phát hiện. "Nghiên cứu mới chỉ ra kính viễn vọng Webb chắc chắn sẽ tìm thấy nhiều thiên hà từ trẻ nhất đến lâu đời nhất", Illingworth nói.
Phương Hoa