Theo Science Alert, bằng cách sử dụng kính viễn vọng vô tuyến Parkes của tổ chức CSIRO, Australia, các nhà thiên văn phát hiện 883 thiên hà và 1/3 số thiên hà này chưa bao giờ được quan sát trước đây. Chúng nằm cách Trái Đất khoảng 250 triệu năm ánh sáng. Phát hiện được công bố hôm 9/2 trên Tạp chí Vật lý thiên văn.
"Dải Ngân hà rất đẹp và thú vị để nghiên cứu, nhưng nó hoàn toàn che khuất tầm nhìn của những thiên hà xa hơn phía sau nó", Lister Staveley-Smith, nhà thiên văn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Thiên văn Vô tuyến Quốc tế (ICRAR), Đại học Western Australia, cho biết.
Những thiên hà mới phát hiện nằm trong Vùng Che khuất (Zone of Avoidance), vùng không gian luôn ẩn sau các hành tinh và ngôi sao tạo nên dải Ngân hà.
"Chúng tôi sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau, nhưng chỉ có kính thiên văn vô tuyến mới cho phép chúng tôi nhìn xuyên qua những lớp bụi và sao dày nhất. Một thiên hà chứa trung bình 100 tỷ ngôi sao, vì vậy việc khám phá ra hàng trăm thiên hà mới ẩn sau dải Thiên hà hé lộ nhiều thứ mà chúng tôi chưa từng biết đến", Renée Kraan-Korteweg, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cape Town, Nam Phi, chia sẻ.
Phát hiện trên có thể giúp các nhà khoa học giải thích khu vực không gian kỳ lạ gọi là Điểm Hút Lớn (Great Attractor), nằm trong Vùng Che khuất. Đây là vùng không gian liên thiên hà có trọng lực dị thường ở lân cận Siêu đám thiên hà Trường Xà - Bán Nhân Mã (Hydra-Centaurus Supercluster). Điểm Hút Lớn có lực hấp dẫn lớn gấp một triệu tỷ lần so với Mặt Trời. Dải Ngân hà và hàng nghìn thiên hà xung quanh đang bị hút về phía nó.
"Chúng tôi chưa thực sự hiểu nguyên nhân gây ra gia tốc trọng trường tác động lên dải Ngân hà, cũng như nơi xuất phát của nó. Chúng tôi chỉ biết rằng, trong khu vực này có rất nhiều thiên hà tập trung thành cụm thiên hà, hoặc siêu cụm thiên hà, và toàn bộ dải Ngân hà đang di chuyển về hướng các cụm thiên hà với tốc độ hơn 2 triệu km/h", Staveley-Smith nói.
Lê Hùng