Vào năm 1938, chính quyền phát xít Đức cử Ernst Schafer, một nhà nghiên cứu động vật và dân tộc, tới vùng Tây Tạng để tìm kiếm nguồn gốc của người “thuần chủng” Aryan. Hồi đó Adolf Hitler, trùm phát xít Đức, tin rằng người Aryan có huyết thống cao quý nhất, có sức khỏe sung mãn và trí tuệ siêu việt nên sẽ có khả năng thống trị thế giới. Khi trở về Đức vào năm 1939, Schafer mang theo một bức tượng.
Được tạc từ khoảng thế kỷ 8 tới thế kỷ 10, bức tượng có hình dạng giống một người đàn ông ở tư thế ngồi khoanh chân và tay trái cầm một thứ gì đó. Biểu tượng thập ngoặc (chữ Vạn hay swastika) nằm ở trên ngực của nó. Sau khi chế độ của Hitler sụp đổ, bức tượng lọt vào tay một nhà sưu tầm, Livescience đưa tin.
Elmar Bucher, một nhà khoa học của Đại học Stuttgart tại Đức, cùng các đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu bức tượng từ năm 2007. Họ gọi nó là "Người Sắt".
Họ phát hiện bức tượng được tạc từ thiên thạch ataxite – một loại vật chất hiếm trong vũ trụ. Thiên thạch ataxite có hàm lượng nickel lớn. Hoba, tên của thiên thạch lớn nhất mà con người từng phát hiện, có khối lượng hơn 60 tấn. Nó rơi xuống Namibia.
Bức tượng mang tên "Người Sắt" có chiều cao 24 cm và khối lượng 10.6 kg. Ảnh: Livescience. |
Kết quả phân tích hóa học cho thấy thành phần hóa học trong bức tượng khá giống những mẩu đá trong bãi thiên thạch Chinga ở khu vực giữa vùng Siberia của Nga và Mông Cổ. Các nhà khoa học thống kê được ít nhất 250 thiên thạch trong bãi Chinga. Phần lớn chúng có kích thước tương đối nhỏ và rơi xuống địa cầu từ 10.000 tới 20.000 năm trước. Hai viên đá to nhất trong bãi có khối lượng chừng 10 kg.
“Người ta phát hiện bãi thiên thạch Chinga từ năm 1913, song sự tồn tại của bức tượng Phật cho thấy các nghệ nhân xưa đã tới đây và lấy đá để tạc tượng từ trước đó rất lâu”, Buchner nhận định.
Nhóm nghiên cứu cũng đoán rằng “Người Sắt” là Vaisravana (hay Jambhala), vị thần của cải trong tín ngưỡng Phật giáo. Người xưa mô tả rằng thần Vaisravana thường cầm một quả chanh (biểu tượng của sự giàu có) hoặc túi tiền. Chữ Vạn trên ngực bức tượng gần giống biểu tượng thập ngoặc của Đức Quốc xã dưới thời Hitler.
“Chúng ta có thể suy đoán rằng biểu tượng hình chữ Vạn trên bức tượng là niềm cảm hứng để người Đức đem nó về nước”, nhóm nghiên cứu phát biểu trên tạp chí Meteoritics & Planetary Science.
Minh Long