Ô nhiễm không khí có nguồn gốc từ khí thải ra của xe hơi. Ảnh: Xinhua. |
Theo các nhà nghiên cứu Đại học bang Ohio, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong thời gian dài có thể dẫn tới sự thay đổi hoạt động của não, tác động xấu tới học tập và ghi nhớ, thậm chí có thể gây ra trầm cảm.
"Kết quả nghiên cứu còn cho thấy tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí đến hàng loạt các vấn đề về sức khỏe khác của con người. Điều này gây nhiều phiền toái cho những người sống và làm việc tại các đô thị bị ô nhiễm trên toàn thế giới", Escience dẫn lời tiến sĩ Laura Fonken, tác giả chính trong nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí Tâm thần học phân tử.
Để đưa ra kết luận trên, tiến sĩ Laura Fonken và các đồng nghiệp đã hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Viện tim - phổi, Đại học Davis thử nghiệm trên loài chuột.
Nhóm nghiên cứu đã để những con chuột sống trong môi trường ô nhiễm không khí 6 tiếng một ngày, 5 ngày một tuần, và trong suốt 10 tháng, tức là gần nửa tuổi thọ của chuột.
Sau thời gian này, các nhà khoa học đã kiểm tra trí nhớ và sự tập trung của những con chuột bằng cách đào tạo chúng ghi nhớ một lối thoát trong bóng đêm. Nhưng kết quả cho thấy, chúng mất rất nhiều thời gian để học và tìm ra lối thoát. Đồng thời, một số con có biểu hiện giống với trầm cảm.
Không khí ô nhiễm chứa các hạt bụi siêu mịn với kích thước chỉ 2,5 micromet (khoảng 1/30 kích thước sợi tóc người), nó bắt nguồn từ khí thải ra từ các phương tiện giao thông, nhà máy và bụi tự nhiên. Các hạt bụi này có thể chui vào rất sâu bên trong phổi và một số bộ phận khác của cơ thể.
Một phần trong nghiên cứu còn cho thấy các loại hạt bụi siêu mịn còn là nguyên nhân gây ra viêm diện rộng trong cơ thể, có thể liên quan đến bệnh cao huyết áp, tiểu đường hoặc béo phì.
Trang Nguyên