![]() |
Đó là ý kiến của Tiến sĩ Paul Schenk, Viện nghiên cứu mặt trăng và các hành tinh, Houston, Mỹ. Ông rút ra kết luận này sau khi nghiên cứu bản đồ nổi địa hình của Ganymede, vệ tinh lớn nhất trong hệ mặt trời (hơn cả sao Thủy và gần bằng sao Hỏa). Nếu Ganymede quay quanh mặt trời thì với kích cỡ khổng lồ của mình, nó thậm chí có thể được xếp vào hàng ngũ hành tinh, giống như trái đất. Ganymede có gì đặc biệt? Từ khi được tàu vũ trụ Voyager khám phá vào năm 1979, bề mặt của Ganymede luôn luôn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học. Dường như nó là hình thức “lai” giữa hai vệ tinh khác của sao Mộc: Callisto và Europa. Một số nơi trên Ganymede có địa hình tương tự như Callisto, tối sẫm, gồ ghế đá, băng và chi chít hố thiên thạch. Phần còn lại giống với Europa, bằng phẳng, sáng và nói chung là còn trẻ (mới thành tạo). Sau khi kết hợp quan sát hình ảnh về Ganymede do Voyager ghi lại hồi trước với các bức ảnh mà trạm vũ trụ Galileo vừa chụp, Tiến sĩ Schenk kết luận rằng phần địa hình bằng phẳng, thấp có thể được hình thành khi nước từ trong lòng vệ tinh chảy ra ngoài, phủ lên mặt đất và sau đó đóng băng. (Nước này thực chất là một chất tương đối lỏng, có khả năng do núi lửa sinh ra). Tuy nhiên, nhà khoa học cho biết ông chưa nhìn thấy vị trí nước thấm ra. Ông cũng không giải thích được tại sao chỉ một vài nơi trên bề mặt vệ tinh Ganymede là phủ băng. Hiểu rõ nguyên nhân tạo ra hai dạng địa hình trên Ganymede sẽ giúp các nhà khoa học nắm được cơ chế tiến hóa của các vệ tinh quanh sao Mộc. Đoan Trang (theo BBC, CNN, 1/3). |