Xác người phân hủy có mùi "ngọt ngào"
Rất khó để mô tả hoàn chỉnh mùi cái chết, song nhiều ý kiến đồng tình rằng xác chết sẽ bốc ra mùi hôi thối kinh khủng. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy mùi của thi thể phân hủy vô cùng phức tạp, gồm hỗn hợp hơn 400 hợp chất hóa học dễ bay hơi.
Trong số này có nhiều hợp chất hiện diện trong xác động vật, nhưng có 5 hợp chất este hữu cơ phản ứng với nước tạo ra cồn và axit chỉ tìm thấy duy nhất ở người. Theo Nzherald, 5 hợp chất này cũng được sản sinh ra từ trái cây thối rữa.
Điều này lý giải vì sao những chuyên gia thường xuyên tiếp xúc với xác chết như nhân viên pháp y hay người lo dịch vụ tang lễ vẫn mô tả các thi thể có mùi "hơi ngọt" chứ không hoàn toàn hôi thối.
Móng tay và tóc không mọc dài ra sau khi chết
Nhiều người tin rằng móng và tóc vẫn dài ra một thời gian sau khi một người qua đời. Nhận định này có thể xuất phát từ những quan sát thực tế cho thấy móng và tóc tiếp tục phát triển trên xác chết. Tuy nhiên, đây chỉ là ảo giác. Sự thực là sau khi chết, cơ thể co lại vì mất nước khiến tóc, móng chân và móng tay trông như dài ra so với trước.
Tóc và móng con người thực chất là lớp tế bào đã chết, thành phần sống duy nhất là nang tóc và biểu bì móng dưới da. Cả nang tóc và biểu bì cần nội tiết tố và các thành phần khác như protein hay dầu để thúc đẩy tóc, móng mọc dài. Tuy nhiên, tất cả hoạt động này đều dừng lại sau khi chết.
Chiều dài telomere dự báo tuổi thọ
Trong một thời gian dài, các nhà khoa học tin rằng tế bào là bất tử, dưới những điều kiện môi trường thích hợp, tế bào có thể phân chia mãi mãi. Tuy nhiên, năm 1961, một nghiên cứu đã bác bỏ khẳng định này. Theo đó, sau khi đạt tới ngưỡng 50-70 lần phân chia, một tế bào sẽ chết.
Một thập kỷ sau, các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng telomere – các trình tự ADN lặp lại nằm tại đầu mút của nhiễm sắc thể - sẽ bị rút ngắn dần sau mỗi lần phân bào. Cho tới cuối cùng, khi telomere bị bào mòn cực đại, sự phân chia chấm dứt và tế bào chết đi.
Kể từ khi giả thuyết này ra đời, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chiều dài telomere có thể được áp dụng để dự đoán tuổi thọ. Tuy nhiên, không phải tất cả nghiên cứu đều bày tỏ sự đồng tình.
Tới nay, khoa học vẫn chưa khẳng định được telomere ngắn đi dẫn tới lão hóa hay sự bào mòn telomere chỉ là một triệu chứng quá trình già đi. Nếu chiều dài telomere thực sự có thể khống chế lão hóa, nhiều khả năng loài người sẽ đạt được mục tiêu "cải lão hoàn đồng" bằng cách kéo dài telomere.
Nỗi sợ cái chết giảm dần theo tuổi tác
Điều này có thể trái ngược với quan niệm cho rằng người càng cao tuổi càng sợ tử thần. Tuy nhiên, đây là kết luận được minh chứng bởi một nghiên cứu tại Mỹ. Theo đó, người trong độ tuổi 40-50 sợ chết hơn người cao niên 60-70 tuổi.
Tương tự, một nghiên cứu khác cho thấy những người trong khoảng 60 tuổi thể hiện lo lắng từ giã cuộc đời hơn ít hơn lứa tuổi trung niên (35-50 tuổi) và thanh niên (18-25 tuổi).
Bên cạnh đó, có nghiên cứu còn phát hiện, đỉnh điểm của nỗi sợ cái chết xuất hiện ở tuổi 20, sau đó tâm lý lo lắng sẽ giảm xuống ứng với sự gia tăng tuổi tác. Đối với nam giới, cái chết sẽ không còn là vấn đề quá bận tâm khi họ đã vào ngưỡng 60 tuổi, trong khi ở phụ nữ, nỗi sợ giảm dần ở tuổi 40-50. Tuy nhiên, kết quả chỉ thu được trong nghiên cứu ở Mỹ, các nước khác như Brazil, Philippines, Nga hay Hàn Quốc không cho thấy xu hướng tương tự.
Nhược điểm của những nghiên cứu này là khảo sát nhiều đối tượng trong các độ tuổi khác nhau mà không theo dấu từng cá nhân trong suốt cuộc đời để kiểm chứng sự thay đổi. Do đó, có thể mối quan hệ giữa tuổi tác và nỗi sợ cái chết bị thúc đẩy bởi nhân tố thế hệ, khi những người cao tuổi có xu hướng rắn rỏi hơn thế hệ trẻ lớn lên trong thế giới hiện đại.
Nghĩ về cái chết làm nảy sinh thành kiến
"Mô tả ngắn gọn về cảm xúc của bạn khi nghĩ tới cái chết của chính mình. Tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn chết đi?" Đây là câu hỏi được đưa ra cho hàng nghìn thành viên tham gia hơn 200 nghiên cứu suốt 25 năm qua.
Kết quả cho thấy, suy nghĩ về cái chết khiến con người trở nên vị tha hơn với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, khắt khe hơn khi nói về mại dâm, ít mong muốn bỏ tiền sắm hàng ngoại, hay thậm chí làm cho những người theo chủ nghĩa tự do giảm ủng hộ cho cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới).
Thay vào đó, ý nghĩ đối diện với tử thần khiến mọi người muốn sinh nhiều con hơn và có xu hướng đặt tên đứa trẻ theo tên mình. Nói cách khác, con người dường như theo đuổi sự bất tử tượng trưng và muốn tiếp tục gắn bó với cuộc đời gián tiếp thông qua con cái. Ngoài ra, cái chết cũng làm những người không có tôn giáo trở nên tin tưởng hơn vào đấng tối cao và cõi âm.
Xem thêm: Luân hồi chuyển kiếp dưới góc nhìn khoa học
Thu Hiền (theo Nzherald)