Từ khi phóng lên vũ trụ năm 2009, kính viễn vọng Kepler của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã giúp các nhà khoa học nhận biết hơn 1.000 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, cùng với hàng nghìn thiên thể tiềm năng khác. Trong số đó, nhiều khả năng tồn tại một hành tinh thuận lợi cho sự sống con người, hoặc từng chứa đựng sự sống.
Vào 13 giờ EDT ngày 10/5 (tức 0 giờ ngày 11/5 theo giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ họp báo công bố khám phá mới nhất của kính viễn vọng Kepler. Mọi thông tin cụ thể về nội dung buổi họp báo đều được giữ kín, dẫn đến nhiều dự đoán trong giới chuyên gia về phát hiện quan trọng mà NASA sắp công bố, theo Inverse.
Trái Đất thứ hai
Dù Kepler phục vụ nhiều mục đích nghiên cứu, điều khiến các nhà khoa học quan tâm nhất từ dữ liệu do thiết bị thu thập là khả năng tìm thấy một hành tinh khác giống Trái Đất. NASA không thường xuyên tổ chức họp báo công bố về các phát hiện khoa học trừ khi đó là tin tức chấn động như thông báo tồn tại nước lỏng trên sao Hỏa vào cuối năm ngoái.
Thiên thể giống Trái Đất nhất từng được phát hiện là Kepler 452-b, có kích thước lớn gấp Trái Đất 1,4 - 1,9 lần. Buổi họp báo tối nay của NASA có thể hé lộ thêm nhiều thông tin chi tiết về hình dáng, khí quyển và nhiệt độ của hành tinh này, cũng như liệu những điều kiện ở Kepler 452-b có phù hợp với sự sống hay không.
Hành tinh thuận lợi cho sự sống hoặc từng tồn tại sự sống
Một dự đoán khác là kính viễn vọng Kepler tìm thấy hành tinh mới không hoàn toàn giống Trái Đất, nhưng vẫn sở hữu những đặc điểm cho phép sự sống phát triển. Ví dụ, sao Hỏa là hành tinh khô cằn và lạnh giá, nhưng có nhiều bằng chứng chỉ ra hành tinh này có tiềm năng duy trì sự sống ở một thời điểm nào đó trong lịch sử, với những hồ nước và đại dương cổ đại phủ khắp bề mặt.
Hành tinh có thể cải tạo thành nơi sinh sống
Dù ý tưởng cải tạo một hành tinh còn khá mới mẻ, các nhà nghiên cứu bắt đầu cân nhắc và thảo luận cách biến đổi thế giới khác thành nơi phù hợp để sinh sống khi thám hiểm vũ trụ ngày càng tiến xa hơn. Lý do khiến khí quyển Trái Đất luôn ấm áp và dễ chịu là do con người thở ra khí CO2, cây xanh cung cấp oxy và mọi dạng sống đều tham gia vào vòng tuần hoàn nước. NASA có thể tìm thấy một hành tinh hoang vu, nhưng vẫn có thể biến đổi thành thế giới giống như trên Trái Đất.
Cấu trúc khổng lồ ngoài hành tinh
Cấu trúc không gian khổng lồ có thể là bằng chứng cho thấy công nghệ tân tiến của người ngoài hành tinh. Phát hiện này sẽ không chỉ giúp các nhà khoa học xác nhận loài người không đơn độc trong vũ trụ mà còn chứng minh sự tồn tại của một dạng sống thông minh và có thể sở hữu trí tuệ vượt bậc so với con người.
Khám phá bất ngờ
Với nhiệm vụ mở rộng mang tên K2, kính viễn vọng Kepler nghiên cứu cả những hiện tượng vũ trụ như vụ nổ siêu tân tinh và hố đen. Nhiều nhà nghiên cứu suy đoán Kepler ghi được hình ảnh một ngôi sao bị hút vào lỗ sâu hoặc điều tương tự. Cách đây không lâu, Kepler từng quan sát ngôi sao chết ở cách Trái Đất 570 năm ánh sáng làm bốc hơi hoàn toàn một hành tinh.
Xem thêm: Phát hiện ba hành tinh giống Trái Đất có thể chứa sự sống.
Phương Hoa