"Điều duy nhất sẽ xảy ra trên Trái Đất khi có nguyệt thực là mọi người thức dậy vào sáng hôm sau, cổ đau nhừ vì ngẩng lên ngắm trời cả tối hôm trước", The Independent dẫn lời Noah Petro, Phó ban dự án khoa học Vệ tinh Thăm dò Mặt Trăng-Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ Goddard của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Nguyệt thực xảy ra khi Trái Đất đi qua giữa Mặt Trời và Mặt Trăng, chúng ở vị trí thẳng hàng với nhau. Mặt Trăng đi vào vùng che bóng của Trái Đất nhưng không bị tối đen hoặc biến mất khỏi tầm nhìn, thay vào đó nó sẽ chuyển dần sang màu đỏ. Nguyên nhân là do ánh sáng Mặt Trời bị bẻ cong khi đi qua bầu khí quyển của Trái Đất, sau đó chiếu tới Mặt Trăng. Các tia sáng bước sóng ngắn đã bị cản lại hết, chỉ còn các tia có bước sóng dài (đỏ, cam) chiếu xuyên qua. Đây cũng chính là lý do tại sao hiện tượng nguyệt thực toàn phần còn được gọi là trăng máu.
Siêu trăng xảy ra do Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất theo quỹ đạo hình elip chứ không phải tròn. Vị trí xa nhất của Mặt Trăng so với Trái Đất cách nhau 405.600 km, vị trí gần nhất (cận điểm) cách nhau 363.700 km. Siêu trăng là trăng tròn ở vị trí cận điểm, lớn hơn 14% và sáng hơn gấp 30% so với lúc nó ở vị trí xa nhất.
Sự gần lại của Mặt Trăng là nguyên nhân gây ra một số hiệu ứng lên các vật khác như thủy triều, nhưng không thể nói rằng nó dẫn đến ngày tận thế. Bản thân Mặt Trăng không có gì thay đổi.
Trước kia, khi loài người chưa chế tạo được những hệ thống dự đoán sự di chuyển của các vật thể trong Ngân Hà, những nền văn minh như Inca hay Lưỡng Hà cho rằng nhật thực và nguyệt thực là những hiện tượng đáng sợ và không tiên đoán được. Nhưng giờ đây, các nhà khoa học có thể tiên đoán được với độ chính xác cao và chúng ta có thể biết trước lúc nào xảy ra nhật thực và nguyệt thực đến hàng nghìn năm nữa.
Điều tương tự cũng xảy ra vào đầu năm nay, khi siêu nhật thực trùng với ngày xuân phân, lúc đó những mục sư và một số người khác cho rằng đây là sự kiện gắn liền với những lời tiên tri về ngày tận thế.
Theo NASA, siêu trăng kết hợp với nguyệt thực toàn phần là hiện tượng rất đặc biệt và không xảy ra thường xuyên. Kể từ năm 1900, nó mới chỉ xuất hiện 5 lần (vào các năm 1910, 1928, 1946, 1964, 1982). Trong khi đó, nguyệt thực phổ biến hơn rất nhiều. Bất kỳ địa điểm nào trên Trái Đất cũng có thể trông thấy nguyệt thực toàn phần trung bình 2,5 năm/lần.
Xuân Dũng