![]() |
Mưa axit ăn mòn cả tường sa thạch. |
Mặc dù Mỹ đã có nhiều tiến bộ trong việc giảm lượng phát thải các hóa chất gây mưa axit, vẫn còn đó mối đe dọa động thực vật ở sông, suối và những khu vực khác. Đây là nỗi lo không chỉ của riêng nước Mỹ. Hồ cạn nước, rừng chết khô ở châu Mỹ, bán đảo Scandinavi, Đức, Ba Lan và Nga… tất cả đều do nồng độ axit cao trong đất và nước gây ra.
Mưa axit đã chính thức bị coi là một nguy cơ đối với môi trường từ năm 1872. Tuy nhiên, mãi một thế kỷ sau người ta mới xem hiện tượng này là hiểm họa môi trường thực sự. Axit ngưng tụ, hoà trong mưa, tuyết, sương, là sản phẩm phụ của quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch. Trong các nhiên liệu này, than có lượng lưu huỳnh cao, được sử dụng trong các nhà máy và trạm phát điện, là “thủ phạm” chính gây mưa axit.
Một điều nghịch lý là chính các biện pháp chống ô nhiễm, áp dụng ở khu vực xung quanh những cơ sở sản xuất điện, lại góp phần gieo rắc mưa axit trên diện rộng. Do các nhà máy buộc phải xây ống khói thật cao nhằm tránh ô nhiễm cho môi trường địa phương, các hóa chất gây mưa axit đã lan tỏa đi xa hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km khỏi nguồn. Chẳng hạn, những nhà máy điện ở thung lũng sông Ohio là nguồn chủ yếu gây mưa axit ở New England và Đông Canada.
Quốc hội Mỹ đang xem xét việc thắt chặt hơn nữa các điều lệ kiểm soát lượng phát thải các hóa chất tham gia vào quá trình tạo mưa axit.
Đoan Trang (theo CNN, 27/3)