Năm 1992, theo thống kê, 600 con voọc mông trắng sống theo những quần thể nhỏ, biệt lập trên các núi đá vôi. Tuy nhiên, hơn chục năm sau, một nửa số voọc đó đã biến mất.
Voọc mông trắng - biểu tượng của vườn quốc gia Cúc Phương, một loài linh trưởng độc đáo đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Đây là một loài quý hiếm, chỉ phân bố ở Việt Nam và được bảo vệ trên toàn cầu. Chúng có bộ lông đen nhưng ở phẩn mông và lưng gần mông, lông lại có màu trắng nổi bật như mặc quần đùi, vì thế chúng còn được gọi là voọc quần đùi trắng.
Các loài linh trưởng tại Trung tâm Cứu hộ linh trưởng tại vườn Quốc gia Cúc Phương được chăm sóc như những đứa trẻ. |
Sự tồn tại mong manh của loài voọc này gây trăn trở cho không ít các nhà động vật học. Trong khi các nhà khoa học, tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới quyết tâm bảo tồn thì các thợ săn truy sát loài linh trưởng này chỉ để lấy xương, thịt, nội tạng nấu cao, chế biến các món ăn mà nhiều người cho là bổ theo quan niệm y học của người Trung Hoa.
Năm 1991, Tilo Nadler, cùng một số thành viên của Hội động vật học FrankFurt (Đức) sang Việt Nam để khảo sát, nghiên cứu và chứng thực sự tồn tại của một loài động vật quý hiếm mang tên voọc mông trắng ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Ông lặn lội trong rừng già tìm kiếm, cuối cùng cũng gặp, một chú voọc mông trắng tuyệt đẹp sắp bị nấu giả cầy tại một bản ở Cúc Phương. Tilo kinh hoàng trước cảnh người ta làm thịt loài động vật mà ông và cộng sự đang cất công tìm kiếm.
Tiến sĩ Tilo Nadler tại phòng làm việc giữ đại ngàn Cúc Phương. |
Năm 1993, Hội Động vật thế giới ký chính thức với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giúp Việt Nam bảo tồn các loài thú linh trưởng. Nhiệt huyết, đam mê và tình yêu thiên nhiên đã đưa Tilo đến và gắn bó với Việt Nam. Hơn nhiều người Việt, ông đau lòng trước cảnh những cánh rừng bị tàn phá để “làm giàu” trong thời kỳ mở cửa, khiến cho môi trường sinh sống của các loài linh trưởng bị phá vỡ và thu hẹp nghiêm trọng. Trung tâm cứu hộ linh trưởng tại Vườn quốc gia Cúc Phương đã ra đời vào tháng 3/1993, do Tilo làm giám đốc.
Khi đến Việt Nam, tưởng hết dự án ba năm là có thể dời đi nơi khác, không ngờ, đàn linh trưởng ở Việt Nam cần ông tới mười mấy năm và cũng chưa biết đến bao giờ. Có lẽ đây cũng là duyên phận.
Có người gọi Tilo là “linh trưởng chúa”. Tình yêu đối với rừng Việt Nam, đối với các loài linh trưởng đã giúp ông gắn bó với nơi này gần 20 năm qua. Hơn mười năm lặn lội, thứ quý giá nhất mà Tilo có được chính là niềm hạnh phúc khi cứu được linh hồn cho những khu rừng. “Linh trưởng chúa” Tilo đã để lại những dấu chân đậm nét không chỉ tại Vườn quốc gia Cúc Phương mà còn trên rất nhiều cánh rừng của Việt Nam.
Điều khiến cho vị tiến sĩ người Đức nhiều tâm huyết với rừng này tự hào chính là Trung tâm cứu hộ linh trưởng Vườn quốc gia Cúc Phương là nơi đầu tiên trên thế giới cho sinh sản thành công các loài linh trưởng trong môi trường nuôi nhốt, mở ra một hướng mới cho công tác bảo tồn.
Từ ngày 27/2 đến 27/8, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Bảo vệ môi trường" dưới dạng bài viết, bài ảnh, video mô tả thực trạng môi trường ô nhiễm không khí, nước...; đề xuất các sáng kiến bảo vệ hoặc nâng cao chất lượng môi trường; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Với bài dự thi là ảnh, độc giả gửi tối thiểu là 5 bức và tối đa 10 bức. Các bức ảnh cần có chú thích rõ ràng, dễ hiểu, có chú thích về địa danh, bối cảnh chụp. Chiều ngang của ảnh là 480 px. Dung lượng mỗi ảnh không vượt quá 10 MB. Đối với bài dự thi là clip, video, thời lượng tối thiểu 90 giây, thời lượng tối đa 3 phút, dung lượng dưới 100 MB. Bài viết được thể hiện trên Word có độ dài không quá 1.500 từ, ảnh minh họa cho bài viết được gửi riêng, không “dán” vào Word và phải có chú thích rõ ràng cho ảnh. Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây. Gửi bài dự thi tại đây. |
Đỗ Văn Duy