Tầm nhìn tại thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy, Trung Quốc giảm xuống dưới 100 m do khói mù dày đặc vào ngày 14/1. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Màn khói mù dày đặc bao phủ thủ đô Bắc Kinh và hơn 30 thành phố khác ở miền trung và miền đông Trung Quốc từ ngày 11/1 tới tận ngày 16/1. Mức độ ô nhiễm đã chạm ngưỡng kỉ lục. Chỉ số trung bình của những hạt bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet (PM2,5) cao hơn từ 12 tới 16 lần so với ngưỡng an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới. Tại một số trạm quan sát, chỉ số này lên tới hơn 700 (microgam/m3) và đạt mức 993 ở những điểm khác vào tối hôm 19/1.
Một số người dân Bắc Kinh nói vui rằng khói mù dày đặc đem lại một bầu không khí “lãng mạn”, khiến mọi người cảm nhận được sự hiện diện của người khác, song lại không thể nhìn thấy nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo không khí ô nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và hô hấp.
Những nỗ lực nhằm thúc đẩy phát triển sinh thái và cam kết xây dựng một “Trung Quốc tươi đẹp” của đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc sẽ khó trở thành hiện thực với một bầu trời tối sầm vì không khí ô nhiễm, Tân Hoa Xã bình luận trong một bài báo.
Các chuyên gia tin rằng khí thải công nghiệp, khói bụi từ xe cộ và các công trường xây dựng là những yếu tố khiến khói mù xuất hiện.
Năm 2011, Trung Quốc tuyên bố họ đã hoàn thành các mục tiêu lớn về kiểm soát ô nhiễm nước và không khí cho kế hoạch 5 năm (2006-2010) lần thứ 11 và thậm chí còn đặt ra các mục tiêu giảm ô nhiễm lớn hơn cho kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, khói mù dày đặc trong những ngày qua chỉ ra rằng trong khi nền công nghiệp và quá trình đô thị hóa của Trung Quốc đang phát triển nhanh, vấn đề môi trường đang thực sự trở thành thách thức lớn đối với nước này.
Theo bài báo, khống chế tình trạng ô nhiễm và bảo vệ môi trường không phải là nhiệm vụ của riêng chính phủ. Người dân nên tham gia nỗ lực bảo vệ môi trường thông qua việc tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng một cách thường xuyên hơn.
Khói mù dày đặc cuối tuần trước ở Bắc Kinh khiến nhiều người nhớ lại trận sương mù kỉ lục ở London năm 1952, sự kiện có thể đã khiến ít nhất 4.000 người thiệt mạng. Đó là một giá đắt cho sự phát triển của nền công nghiệp. Tuy nhiên, London không còn là “thành phố sương mù” nữa nhờ những biện pháp hiệu quả của chính phủ và nhận thức của người dân.
"Trung Quốc nên rút ra bài học từ trận sương mù ở London để tránh rơi vào tình trạng giống như của Anh", bài báo lập luận.
Đoàn Hạnh