Các nhà nghiên cứu từ Đài thiên văn Lamont Doherty, Đại học Columbia cho biết trong vòng 45 năm tới, nắng nóng không chỉ ở mức cao hơn mà còn diễn biến thường xuyên hơn. Nó có khả năng gây nguy hiểm cho 250 triệu người, tương tự trận nóng lịch sử tại Iran và Pakistan hồi đầu năm nay.
Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, độ ẩm dự kiến cũng tăng theo. Điều này có thể gây ra hiện tượng nóng ẩm vào mùa hè. Các nhà nghiên cứu dự đoán vào năm 2060, 250 triệu người phải chịu cảnh nắng nóng 33°C và 750 triệu người phải tiếp xúc với mức nhiệt 32°C.
Đây có thể không phải là con số đáng ngạc nhiên với những người sống trong vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, nhiệt độ không phải tác nhân đáng lo ngại nhất mà chính là độ ẩm trong không khí, theo Popular Science.
Độ ẩm trong không khí có ảnh hưởng rất lớn tới mức độ nắng nóng mà chúng ta cảm nhận được. Nhiệt độ bầu ướt là một trong những công cụ để đo sức nóng. Đó là nhiệt độ thấp nhất có thể đạt được bằng cách bão hòa không khí với hơi nước. Nhiệt độ bầu ướt càng cao, không khí càng nóng bức.
Nghiên cứu chỉ ra nếu nhiệt độ bầu ướt tăng trên 35°C, cơ thể con người mất khả năng tự làm mát. Trong trường hợp đó, không khí không thể giữ nước, dẫn đến mồ hôi không bay hơi. Từ đó, cơ thể con người phát sinh các hiện tượng sốc nhiệt như say nắng, mệt mỏi, chuột rút, phát ban. Nắng nóng cũng có thể gây chết người. Đợt nóng vừa qua ở Pakistan đã khiến 1.300 người thiệt mạng.
Nắng nóng sẽ ảnh hưởng tới toàn thế giới nhưng Ấn Độ, Trung Đông và các quốc gia Tây Phi là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nhà nghiên cứu dựa vào nhiệt độ cao nhất từ năm 1985 đến năm 2005 để tính ra mức trung bình hàng năm. Họ dự đoán vào năm 2060, New York sẽ trải qua 10 - 20 ngày với nhiệt độ cao hơn ngày nóng đỉnh điểm của giai đoạn 1985 - 2005. Không những thế, thành phố này sẽ có thêm 30-40 ngày nhiệt độ bầu ướt vượt qua mức tối đa so với giai đoạn trước. Khu vực Nam Mỹ, châu Phi và Trung Đông sẽ có hơn 100 ngày nóng đỉnh điểm mỗi năm.
Điều kiện nắng nóng khắc nghiệt có thể ảnh hưởng tới hoạt động xã hội của con người. Các hoạt động thể chất ngoài trời vào ban ngày có thể gây chết người. Vì vậy, những công việc như làm nông nghiệp hay xây dựng buộc phải dời đến buổi tối, khi thời tiết mát mẻ hơn. Hơn nữa, nhu cầu điện trong mùa hè có thể tăng mạnh vì điều hòa không khí trở thành công cụ sống còn. Các nhà nghiên cứu cũng đồng ý với một công bố gần đây cho rằng, một số nơi trên thế giới có thể bị bỏ hoang trong vài thế kỷ tới vì quá nóng để có thể sinh sống.
Thùy Dương