Nghiên cứu ở 273 đối tượng trong độ tuổi 55 trở lên, giới khoa học tìm thấy mối quan hệ giữa số lượng răng tự nhiên của con người và hiệu suất của các bài kiểm tra trí nhớ. Theo đó, người ít răng sẽ có kết quả kém hơn.
Dù lý do cho sự liên kết không hoàn toàn rõ ràng, nhưng phát hiện mới phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đây về động vật và con người cho thấy, sự hiện diện của răng một cách tự nhiên ảnh hưởng đến chức năng nhận thức. Ít răng được xem là một nguy cơ ảnh hưởng đến vấn đề trí nhớ ở người già. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí European Journal of Oral Sciences.
Theo nhóm khoa học, khi nghiên cứu trên cơ thể động vật, những con chuột bị lấy mất răng thường xảy ra vấn đề về bộ nhớ và khả năng học hỏi, chúng mất nhiều tế bào thần kinh, nhất là vùng não hippocampus liên quan đến quá trình hình thành trí nhớ.
Răng gửi tín hiệu đến não thông qua dây thần kinh chịu trách nhiệm cảm giác ở mặt, và kiểm soát chức năng vận động, chẳng hạn như cắn và nhai. Răng giả tuy hữu ích cho việc ăn uống nhưng chúng thiếu các dây thần kinh và dây chằng gắn răng vào hàm nên làm giảm cảm giác đầu vào tới não.
Nhiễm trùng nướu răng có thể dẫn tới rụng răng, gây viêm, gây ra cái chết của tế bào thần kinh, làm suy giảm trí nhớ.
Các nhà nghiên cứu đã tính đến các yếu tố khác ảnh hưởng đến trí nhớ như số năm học tập, loại nghề nghiệp, quá trình sử dụng thuốc. Hạn chế của nghiên cứu này là số lượng nhỏ người tham gia.
Nghiên cứu trước đây với hơn 4.000 người tham gia với sự kiểm soát một số yếu tố lối sống như hút thuốc và uống rượu cũng có kết quả tương tự. Người có ít hoặc không có răng làm bài kiểm tra trí nhớ kém hơn so với những người tham gia nhiều răng. Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Behavioral and Brain Functions năm 2011.
Lê Hùng (theo MNN)