Vũ khí sinh học dựa vào đặc tính gây bệnh hay truyền bệnh của vi trùng, vi khuẩn, virus để tạo mầm bệnh hay cái chết cho người, động vật hoặc cây trồng. Mức độ ảnh hưởng của loại vũ khí này tùy thuộc vào khả năng lan truyền của chúng trong cơ thể người, động vật hay cây trồng.
Theo BBC, trong một lần ho, cơ thể người có thể đưa hàng nghìn vi khuẩn vào không khí. Dịch nhầy của cơ thể cũng là một nguồn lây lan bệnh giữa những người tiếp xúc trực tiếp với nhau.
Cái chết Đen (Black Death) là tên gọi của một đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ 14. Bệnh đậu mùa cũng là nguyên nhân từng khiến 400.000 người ở châu Âu chết mỗi năm. Mặc dù đã được loại trừ từ thế kỷ 20, nhưng nếu xuất hiện trở lại, nó có thể mở ra kịch bản cho ngày tận thế của nhân loại. Đây là lý do mà chính phủ Mỹ và Nga được cho là vẫn lưu giữ virus bệnh đậu mùa trong các phòng thí nghiệm bí mật.
Đặc điểm của vũ khí sinh học là dễ lây nhiễm, dễ phát tán bằng bình xịt. Tuy nhiên nó không có tác động phá hủy các công trình kiến trúc, cơ sở vật chất như đường xá, cầu cống...
Vũ khí sinh học được sử dụng từ bao giờ
Theo các nhà nghiên cứu, con người đã sử dụng dịch bệnh như một loại vũ khí từ hàng nghìn năm trước. Người cổ đại từng ném xác chết của những người nhiễm vi trùng hay mắc bệnh do vi trùng vào đối phương, hoặc thậm chí sử dụng nấm có chất ảo giác và chai lọ chứa độc rắn để làm hao mòn sinh lực địch.
Vũ khí sinh học thường được sử dụng như một công cụ để giành phần thắng trong các cuộc chiến. Cách đây khoảng 3.500 năm, các chiến binh Trung Đông được gọi là Hittite từng giấu ký sinh trùng trên cơ thể cừu để truyền một loại bệnh nhiễm trùng cho thành phố của kẻ thù. Ở thời Trung cổ, nạn nhân chết do dịch hạch sẽ trở thành vũ khí sinh học tấn công đối phương.
Khi công nghệ ngày càng phát triển, tham vọng sử dụng vũ khí từ virus càng được nhân lên ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong Thế chiến II, chính phủ Anh từng thử nghiệm bệnh than gây chết người trên đảo Gruinard, Scotland, khiến nơi này bị cách ly 48 năm. Vào những năm 1930, Liên Xô từng biến một hòn đảo ở biển Aral trở thành nơi không thể ở được, với các thử nghiệm liên quan đến dịch hạch, viêm não ngựa Venezuela hay bệnh sốt thỏ.
Trong những năm 1940-1941, quân đội Nhật từng rải bom chứa vi sinh vật gây dịch hạch ở 11 tỉnh của Trung Quốc. Ở thời kỳ chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Mỹ từng sử dụng vũ khí sinh học bằng cách thả côn trùng gây bệnh cho người và lúa.
Thậm chí tồi tệ hơn, vào năm 1971, Nga từng sử dụng vũ khí bệnh đậu mùa, khiến 10 người bị nhiễm bệnh và ba người trong số này thiệt mạng.
Ebola có thể trở thành vũ khí sinh học hay không
Cơ quan Y-Sinh Liên bang Nga (FMBA) mới đây cảnh báo rằng virus Ebola, nguyên nhân khiến gần 1.000 người ở Tây Phi thiệt mạng trong thời gian qua, có thể trở thành một loại vũ khí sinh học.
"Nguy cơ này đang tồn tại. Trên thực tế, virus Ebola có thể được sử dụng dưới dạng xịt, vốn dễ dàng dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng", RIA Novosti dẫn lời Vladimir Nikiforov, người đứng đầu Khoa Các bệnh truyền nhiễm của FMBA, cho hay.
Vũ khí sinh học không giống với bom nguyên tử. Để tạo ra bom nguyên tử, người ta cần đến một mỏ uranium, một nhà máy điện hạt nhân và nhiều công nghệ liên quan khác. Trong khi đó, vũ khí sinh học có thể được chế tạo trong phòng thí nghiệm nhỏ và rất dễ ngụy trang. Theo nhà nghiên cứu, việc phát hiện hoạt động chế tạo vũ khí sinh học không hề dễ dàng, dù công ước về vũ khí sinh học và độc hại đã có hiệu lực từ năm 1972.
Tiến sĩ Peter Walsh của Đại học Cambridge, Anh, là người từng cảnh báo rằng phần tử khủng bố có thể sử dụng virus Ebola để tạo "bom bẩn". The Sun dẫn lời nhà nghiên cứu bày tỏ lo ngại nguy cơ thương vong lớn, nếu một nhóm người nào đó sử dụng virus này trong một quả bom và cho phát nổ ở khu dân cư đông đúc.
Theo Walsh, chỉ có một số ít phòng thí nghiệm trên thế giới có virus Ebola và chúng đều đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Do đó, nguy cơ có thể xảy ra nếu nhóm khủng bố tìm cách có trong tay loại virus nguy hiểm này ở Tây Phi.
Trước đó, một cựu lãnh đạo cơ quan y tế của Nga có tên Gennady Onischenko cho biết ông không loại trừ khả năng đợt bùng phát dịch ở Tây Phi là đáng ngờ và có thể có sự can thiệp nhân tạo nào đó.
Ít nhất 961 người đã chết vì virus Ebola trong đợt bùng phát dịch từ đầu năm nay. Dịch bệnh lan rộng ra 4 nước Tây Phi là Liberia, Sierra Leone, Guinea và Nigeria, với tổng số ca nhiễm bệnh là 1.700 người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 8/8 công bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh do virus Ebola gây ra, yêu cầu cộng đồng quốc tế có phản ứng phối hợp để ngăn dịch bệnh này lan rộng.
Thùy Linh