Sinh ra ở vùng quê nghèo Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Hai, ở phường Xuân An, thành phố Phan Thiết, chưa học hết lớp 5 nhưng đam mê sáng chế. Người trong vùng gọi ông là nhà sáng chế nông dân. Để cho ra đời hàng chục chiếc máy giúp ích cho sinh hoạt của chính gia đình lẫn bà con, ông Hai phải mất nhiều năm tự mày mò, hàng chục lần tháo ra rồi ráp lại những chiếc máy.
Ở nông thôn thường có những ngày cúp điện bất chợt, người lớn đi làm về mệt mỏi, trẻ em nóng bức không học được bài. Ông nảy ra ý tưởng gắn động cơ vào một bệ đỡ, dùng lực bánh sau của xe máy khi nổ làm phát ra nguồn điện. Chiếc máy phát này chạy hết khoảng nửa lít xăng mỗi giờ, có thể sử dụng thắp sáng khoảng chục bóng đèn, 2 cây quạt cùng một lúc.
Từ chiếc máy phát điện, sau này ông còn thiết kế, gắn thêm các bộ phận để biến nó thành chiếc máy "4 trong 1" bao gồm: phát điện, phun thuốc trừ sâu, bơm nước, cứu hỏa trong các ngõ hẻm. Riêng về chức năng cứu hỏa, ông cho biết chiếc máy này chỉ cứu được những nơi mới bắt đầu cháy, nằm sâu trong ngõ nhỏ mà xe cứu hỏa chưa vào được.
"Xe máy là của mình, muốn chế máy nào đó vào thì tiện tay là làm thôi. Lúc nào cần dùng thì gắn mấy cái máy kia vô, không dùng thì lại tháo ra trong vòng 1 phút. Chiếc xe vẫn đi chợ búa, ngày lễ rảnh chở vợ con đi chơi bình thường", ông hài hước phân tích.
Ngoài chiếc máy "4 trong 1", ông còn sáng tạo ra chiếc máy tuốt củ lạc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2011. Trước khi tạo ra được chiếc máy tuốt lạc hoàn chỉnh và hoạt động bình thường, ông phải nghiên cứu, thất bại 13 lần mới thành công.
Thấy việc thu hoạch lạc trên vùng đất cát khô nóng của nông dân Bình Thuận quá vất vả, đặc biệt là tuốt củ lạc ra khỏi cây mất nhiều công sức. Ông liền cải tiến chiếc máy tuốt lúa thành máy tuốt lạc nhưng năng suất chưa cao, lạc củ bị nứt vỏ, sót lại nhiều, năng suất bị hao hụt. Ông lại tiếp tục mày mò để cho ra đời chiếc máy hoàn thiện.
Chiếc máy hoàn chỉnh có thùng sàng chuyển động dưới trục tuốt, có máng hứng củ lạc. Trên trục tuốt có vòng xoắn, cây được cuốn nhanh trong buồng tuốt khiến cho củ không bị nứt vỡ. Phần lá, thân cây sau khi tuốt được chuyển vào một băng tải riêng cho ra ngoài. Chiếc máy có công suất tuốt hơn 400 kg mỗi giờ, giải phóng sức lao động cho nhiều nhân công nên được nông dân quanh vùng đặt mua rất nhiều.
Biết tiếng ông, nhiều người gọi điện đến, muốn mua những máy móc ông làm ra. Nhưng có khi ông lại dành cả buổi để chỉ cho họ cách làm những loại máy móc đơn giản. Ông Hai bảo có những chiếc máy chỉ cần dùng đồ có sẵn xung quanh chế, ráp lại với nhau là được. "Đường xa, vận chuyển chi cho nó tốn công", ông nói.
Đất Bình Thuận trồng nhiều thanh long, ông Hai đang nghiên cứu và thí điểm trong vườn nhà để cho ra đời hệ thống tưới đặc biệt, hoặc tưới trên ngọn, hoặc tưới dưới gốc tùy người nông dân lựa chọn. Ngoài những sáng chế nổi bật trên, ông còn tạo ra thiết bị quạt oxy cho ao tôm, máy thái lúa mì, máy tỉa hạt...Có nhiều chiếc máy được cấp bằng độc quyền, có chiếc nhận giấy khen, bằng khen, nhưng cũng có cái chưa được như ý muốn.
Ông bảo, có những máy móc ấy đều ra đời từ những lần ông "nghịch dại" rồi chế thành.
"Mỗi lần tạo ra sản phẩm là thấy cuộc đời vui lên chút xíu. Những vật dụng xung quanh mình, đôi khi kết hợp lại cho ra một thứ máy móc hay ho. Mình không dám so sánh với mấy anh được học qua trường lớp vì họ học trước rồi mới thực hành, còn mình thì thực hành trước rồi mới rút ra kết luận sau. Miễn sao cứ tạo ra được cái gì hữu ích cho bà con là được", ông cười nói.
Thanh Hòa