Hình minh họa một hành tinh khí khổng lồ xoay quanh ngôi sao riêng của nó trong chòm sao Cự Giải. Ảnh: NASA. |
Pr0201-b và Pr0211-b, tên của hai hành tinh mới được tìm thấy, cách trái đất chừng 550 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Cancer (Cự Giải). Mỗi hành tinh xoay quanh một ngôi sao riêng. Do bay quá gần ngôi sao, nhiệt độ bề mặt của hai hành tinh lên tới vài nghìn độ C, National Geographic đưa tin.
Sam Quinn, một nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Georgia tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp phát hiện hai hành tinh khí khổng lồ khi họ dùng các kính thiên văn có đường kính 1,5 m để đo tốc độ của 53 ngôi sao trong nhóm sao Beehive thuộc chòm sao Cancer.
Đây là lần đầu tiên giới thiên văn tìm được bằng chứng về sự tồn tại của hệ sao -hành tinh giữa một chòm sao. Nhưng người ta đặt ra một câu hỏi: Tại sao chúng ta chưa bao giờ thấy những hệ sao - hành tinh như thế?
"Trước đây giới nghiên cứu không biết các hành tinh có thể hình thành trong những chòm sao hay không. Vì thế họ không hướng kính thiên văn về phía những chòm sao khi tìm kiếm hành tinh. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rất có thể nhiều hành tinh đang tồn tại giữa các vùng tạo sao và chúng xoay quanh sao", Quinn phát biểu.
Minh Long