Theo IB Times, vật liệu tối nhất ra đời sau khi các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdulla ở Saudi Arabia lấy cảm hứng từ một loại bọ cánh cứng màu trắng và áp dụng công nghệ hạt nano để nâng cao độ tối của vật liệu.
Những chiếc vảy trên cơ thể bọ cánh cứng cyphochilus tạo thành một cấu trúc tinh thể photon cho phép lớp vỏ của chúng phản chiếu ánh sáng hiệu quả. Nhóm nghiên cứu đã dựa vào đặc điểm này để tạo ra vật liệu có thể hấp thụ 98-99% ánh sáng chiếu vào nó từ mọi góc. Khả năng hấp thụ ánh sáng của nó cao hơn 26% so với kỷ lục trước đây do ống nano cacbon tạo ra.
Để mô phỏng lớp vỏ của bọ cánh cứng cyphochilus, các nhà khoa học đặt một ống nano bên trên quả cầu nano có đường kính 30 nanomet, tạo ra một bề mặt mấp mô bao gồm những hố lõm nằm rải rác xen kẽ với các ống dẫn sóng kim loại dài. Vật liệu do họ tạo ra tối đến mức mắt thường không thể xác định và cho cảm giác như nhìn vào một hố đen không đáy.
Vật liệu mới có thể giúp công nghệ pin mặt trời trở nên hiệu quả hơn bởi chất liệu càng tối càng cho phép hấp thụ nhiều ánh sáng hoặc năng lượng hơn. Theo nhóm nghiên cứu, nó còn có thể đem đến những đột phá trong công nghệ sợi quang học và khử muối trong nước biển.
Phương Hoa