Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell Regeneration, một nhóm khoa học tại Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đã tạo ra cấu trúc răng từ các tế bào gốc lấy ra từ nước tiểu của con người. Các tế bào này sau khi thoát ra ngoài cùng nước tiểu sẽ được thu lại để biến nó thành các tế bào gốc đa năng (iPSCs).
Các nhà khoa học tạo ra cấu trúc răng bằng cách buộc các tế bào gốc đa năng phát triển giống với tế bào biểu mô hình thành men răng, giống với tế bào trung mô để hình thành ngà răng và những thành phần chính khác. Sau đó, tế bào này được nhóm nghiên cứu cấy vào chuột thí nghiệm. Sau ba tuần, răng đã phát triển với các cấu trúc như răng thật. Giới khoa học hy vọng một ngày nào đó có thể áp dụng công nghệ này tái tạo lại những chiếc răng bị mất cho người lớn tuổi, hoặc người có vấn đề về răng miệng.
Tiến sĩ Duanqing Pei, Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc cho biết, những chiếc răng này có cấu trúc tương tự như răng thật của người với men răng, ngà răng, tủy răng và xương răng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có hạn chế và tỷ lệ thành công hiện chỉ 30%. Nhưng vị chuyên gia vẫn tin tưởng về khả năng sử dụng răng nhân tạo trong tương lai.
Theo giới khoa học, các tế bào lấy từ nước tiểu của bệnh nhân sẽ không bị từ chối bởi chính chủ nhân của nó, và vì thế họ sẽ bắt đầu từ nguồn tế bào của chính bệnh nhân.
Trong tương lai, phương pháp trên sẽ có những thay đổi bổ sung để sử dụng tế bào gốc tạo ra các chồi răng nuôi trong ống nghiệm. Sau đó, các chồi răng sẽ được cấy vào xương hàm của bệnh nhân, tạo thành một chiếc răng hoàn chỉnh đầy đủ chức năng.
Công nghệ sử dụng tế bào gốc đa năng để tái tạo nhiều bộ phận con người đang là hy vọng lớn cho y học tái tạo với việc tạo được gan và xương. Hiện các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu để có thể sử dụng tế bào gốc tạo ra các tế bào thần kinh và tế bào cơ tim.
Đức Huy (theo Telegraph)