Với hơn 1.100 vịnh nước sâu phân bố chằng chịt khắp cả nước, tài xế Na Uy lái xe từ nơi này tới nơi khác phải qua nhiều điểm trung chuyển, cầu cống và vô số lần đi phà, theo Seeker.
Nhằm khắc phục vấn đề lưu thông khó khăn, Na Uy đang tiến hành dự án tham vọng hướng đến xây dựng một đường hầm giao thông chìm hoàn toàn dưới mặt nước ở vịnh Sognefjord. Đây là vịnh lớn nhất Na Uy, rộng 915 m và sâu hơn 1.219 m.
Theo các nhà hoạch định dự án, đường hầm hình ống sẽ được nối với những chiếc phao khổng lồ nổi trên mặt nước và được giữ cân bằng nhờ các giàn nối. Hai đường hầm hình ống đặt cạnh nhau cho phép giao thông không bị gián đoạn ở cả hai chiều, và nằm lơ lửng ở độ sâu 20-30 m dưới nước.
Đây là đường hầm đầu tiên trên thế giới được thiết kế lơ lửng dưới nước. Đường hầm sẽ giúp giải quyết một số vấn đề khó khăn cho các nhà quy hoạch do nhiều tính chất địa lý xung quanh vịnh Sognefjord khiến việc xây cầu treo hoặc cầu nổi kiểu truyền thống trở nên bất khả thi. Những cây cầu cũng rất dễ hư hỏng do thời tiết khắc nghiệt ở Na Uy.
Đường hầm dưới nước cũng giữ cho mặt nước trong lành, phục vụ hoạt động của tàu thuyền thương mại và tàu chiến của Hải quân Na Uy. Độ sâu của vịnh gây trở ngại cho đường hầm đào dưới đáy biển kiểu truyền thống, nhưng đường hầm treo lơ lửng dưới nước là giải pháp rất phù hợp.
Na Uy đã quyết định đầu tư 25 tỷ USD cho dự án. Nếu kế hoạch diễn ra trôi chảy, đường hầm Sognefjord sẽ hoàn thành vào năm 2035.
Tùy theo thành công của công trình ban đầu, nhiều đường hầm dưới nước sau đó sẽ được cân nhắc ở các khu vực khác. Các nhà hoạch định cho biết theo mô hình mô phỏng trên máy tính, đường hẩm lơ lửng dưới nước có thể giảm thời gian lái xe từ miền bắc đến miền nam Na Uy từ 22 tiếng xuống còn 11 tiếng.
Xem thêm: Điều gì xảy ra khi di chuyển trong đường hầm xuyên tâm Trái Đất
Phương Hoa