Ngày 17/5, lần đầu tiên Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức Lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2013. Tham dự buổi lễ có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Nguyễn Quân cùng 300 nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội, các nhà khoa học trẻ, sinh viên thuộc các trường đại học và các tổ chức khoa học công nghệ...
Giải thưởng được trao cho giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng, nghiên cứu trong lĩnh vực toán, với Công trình “Các đồng cấu giữa các đại số Dickson - Mùi xem như các Moodun trên đại số Steenrod” và Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Ân, lĩnh vực Vật lý, với Công trình “Đồng viễn tạo trạng thái lượng tử thông qua các trạng thái W và kiểu W”.
Giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng sinh năm 1954 ở Quốc Oai, Hà Tây cũ. Hiện ông làm việc tại khoa toán, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Những cuốn sách nổi tiếng của ông như “Đại số Đại cương”, NXB Giáo dục Hà Nội, 1998 và “Đại số Tuyến tính”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000, được xem là cuốn giáo trình tốt nhất Việt Nam.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Ân làm việc tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông là một trong những nhà khoa học hàng đầu của thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về quang lượng tử, thông tin lượng tử. Nhà vật lý lý thuyết này trong 3 năm qua đã có hơn trăm bài báo khoa học quốc tế. Ông còn là giáo sư của Viện Nghiên cứu cao cấp KIAS của Hàn Quốc.
Giáo sư Việt Hưng cho rằng khi một kết quả được công bố nó có cuộc sống tự thân không phụ thuộc và ý muốn tác giả. "Riêng với cá nhân tôi, mọi kết quả của tôi đã được công bố đều không còn thú vị nữa. Cái thú vị nằm ở những công trình sắp được nghiên cứu", giáo sư nói.
Lấy ví dụ về môn thể thao marathon nặng nhọc và buồn chán, giáo sư Hưng gửi gắm tới các nhà khoa học "thay cho việc bố gắng công bố nhiều bài ISI để nhận tài trợ NAFOSTED, tôi cố gắng công bố trên những tạp chí chất lượng cao, thà ít mà tốt".
Tại lễ trao giải, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã nêu bật kết quả quan trọng trong nghiên cứu khoa học cơ bản. Bộ trưởng này cho rằng, khoa học Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực. "Số lượng công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2006-2012 chỉ bằng một phần tư của Thái Lan và Malayssia", ông Quân dẫn chứng.
Bộ trưởng Quân hy vọng giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ ngày càng có uy tín cao và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng khoa học và công nghệ Việt Nam, khích lệ đội ngũ trí thức khoa học công nghệ cả nước phát huy năng lực sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học.
Sau buổi trao giải sẽ là chương trình “Đối thoại với nhà khoa học” giữa Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Quân với các nhà khoa học về các vấn đề thời sự đang diễn ra hiện nay, đặc biệt là những nội dung được đề cập đến trong Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; những vấn đề về nghiên cứu khoa học cơ bản và môi trường hoạt động khoa học hiện nay của các nhà khoa học.
Giải thưởng Tạ Quang Bửu sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm và trao cho 7 lĩnh vực là toán học, khoa học máy tính và thông tin; vật lý; hóa học; khoa học trái đất và môi trường; sinh học và khoa học tự nhiên khác. Năm nay, giải đã có 52 hồ sơ gửi về Hội đồng giải thưởng đề nghị xét giải thưởng. Cơ cấu Giải thưởng bao gồm từ một đến 3 giải thưởng chính và một giải thưởng nhà khoa học trẻ (dưới 30 tuổi, tính đến thời điểm kết thúc nộp hồ sơ) dành cho tác giả của công trình khoa học xuất sắc; một giải thưởng dành cho nhà khoa học có đóng góp tích cực cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam. Mỗi giải thưởng gồm bằng chứng nhận của Bộ trưởng Khoa học, tiền thưởng 200 triệu đồng đối với giải thưởng chính, 100 triệu đồng đối với giải thưởng dành cho nhà khoa học có đóng góp tích cực cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam và 50 triệu đồng với giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ. |
Hương Thu