“Hai lúa” Trần Quốc Hải bên chiếc trực thăng thứ 2 do anh chế tạo. Ảnh: Nld.com.vn. |
Anh "hai lúa" Trần Quốc Hải năm nay 46 tuổi, sống ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Anh thông thạo ngoại ngữ, dùng Internet hằng ngày từ gần chục năm nay. Lý do học dùng Internet là anh cần tìm kiếm thông tin về chế tạo máy bay.
Từ nhỏ, Hải đã mê máy bay. Nhà ở sau lưng sân bay nên anh thường lén vào chơi. Lớn lên, anh học Đại học Thể dục Thể thao nhưng vẫn không dứt ra được niềm đam mê đó; hễ có tài liệu nào nói về máy bay là lùng tìm và sưu tập. Những ngày rảnh, Hải vào các bảo tàng để xem và nghiên cứu các bộ phận máy bay.
Tốt nghiệp đại học, Hải đi dạy 5 năm rồi bỏ. Vốn có học về cơ khí, năm 1996, vợ chồng anh mở xưởng cơ khí chế tạo máy móc nông nghiệp. Anh có người bạn thân là Lê Văn Danh, chủ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhưng cũng mê chế tạo máy móc. Khi nghe Hải trình bày ý tưởng chế tạo máy bay, người bạn này gật đầu nhận làm nhà tài trợ chính.
Chiếc trực thăng đầu tiên chế tạo 7 năm mới xong. Khách hàng ra vào xưởng hỏi, anh Hải nói dối là máy nghiền mì. Mọi thứ xong xuôi, hai "tác giả" chở máy bay lên Suối Ngô, cách nhà 15 km, để thử. Tuy hiểu rõ về sản phẩm của mình nhưng họ vẫn lo. Lê Văn Danh bảo: “Anh độc thân; chú còn vợ con, để anh lái thử cho.”.
Hì hục gần cả buổi, chiếc máy bay mới cất cánh khỏi mặt đất được chừng 2 m. Mừng quá, họ lấy dây thả neo lại. Sau khi quan sát, nhận ra những hạn chế, họ đưa về điều chỉnh. Mấy hôm sau, máy bay cất cánh “ngọt xớt”. Chưa kịp mừng thì khi hạ cánh, huyện đội xuất hiện và tịch thu ngay.
"Hỏi ra mới vỡ lẽ, bữa trước khi bay thử đã có người làm trong rừng cao su nhìn thấy, họ về báo và mấy ổng theo dõi. Sau 13 ngày “cục cưng” bị bắt, đang buồn thúi ruột thì có người đến báo tôi lên đem máy bay về" - Hải kể.
Và cũng từ đó “sản phẩm đầu tay” của anh Hải được nhiều ban ngành cũng như bạn bè trong và ngoài nước biết đến.
Chiếc máy bay đầu tay chưa làm Trần Quốc Hải thỏa mãn vì còn nặng (900 kg) và tốn nhiên liệu. Qua trao đổi với bạn bè quốc tế và qua thực tiễn, anh nhận thấy có thể làm được chiếc khác “ngon” hơn. Và thế là Hải bắt tay vào việc. Chỉ sau 6 tháng, chiếc trực thăng thứ 2 đã hoàn chỉnh, chỉ còn 680 kg, dài 11 m, rộng 2,3 m, cao 3,5 m. Động cơ mới này có mức tiêu hao nhiên liệu 60 lít/8 giờ, vận tốc đạt 150 km/giờ. Và giá thành hoàn chỉnh chỉ bằng một chiếc xe hơi du lịch lắp ráp trong nước mà thôi.
Anh Hải đang chờ thủ tục cho phép bay của Nhà nước để nhanh chóng thử nghiệm máy bay mới, nếu thành công sẽ đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. "Chúng tôi cũng mong rằng, công trình này sẽ giúp sinh viên khoa hàng không của các trường đại học có cái để 'sờ tận mặt bắt tận tay', khỏi học chay” - Hai lúa bộc bạch.
(Theo Người Lao Động)