Nhân dịp tham dự Tuần lễ khoa học quốc tế "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 9, sáng nay, GS Ngô Bảo Châu, người đạt giải thưởng Fields, được xem là giải "Nobel Toán học" năm 2010 đã giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập với hàng trăm học sinh THPT tỉnh Bình Định.
Nhắc lại câu nói ấn tượng của GS Ngô Bảo Châu " Đến một lúc nào đó, bạn thấy làm toán là niềm yêu thích chứ không phải vì vật chất, danh lợi. Vậy điều ấy có phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam?", một học sinh trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn, TP Quy Nhơn nêu câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của một học sinh về việc học chỉ vì niềm yêu thích thì có phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam hiện nay không, Ngô Bảo Châu thừa nhận học sinh ngày nay đến trường học tập chủ yếu để đi thi, còn nặng nề bệnh thành tích. Anh cho rằng nếu học chỉ vì bằng cấp vô tình hạ thấp giá trị của việc học.
"Tôi tin nếu bản thân mỗi người đam mê học tập để đạt mục tiêu gặt hái tri thức, định hướng nghề nghiệp rõ ràng thì thành công của bạn sẽ vươn xa hơn. Nguyên nhân thất bại là sai lầm của nhận thức. Sự thay đổi nhận thức sẽ mở ra con đường, chân trời mới dẫn đến thành công".
Giáo sư Châu kể rằng sau khi nghe GS Sheldon Lee Glashow, người đoạt giải Nobel năm 1979 thuyết trình hôm qua, anh thấy ấn tượng với câu nói của ông, rằng "học trước hết là vì sự tò mò, ham mê khám phá, đó mới là chân giá trị, đỉnh cao của quá trình học tập, nghiên cứu".
Chia sẻ kinh nghiệm trải qua các kỳ thi học sinh giỏi Toán quốc gia, quốc tế, Giáo sư nói sở dĩ anh gặt hái thành công là nhờ có tâm lý thoải mái, không quá nặng nề chuyện thi cử. Thi đỗ thì vui vừa phải còn thi trượt nhiều khi cũng là chuyện bình thường. Theo chủ nhân giải thưởng Fields, trong chặng đường học tập, nghiên cứu, anh có những lúc ngỡ chừng rơi vào bế tắc, thất bại nhưng nhờ không ngừng nỗ lực, nuôi dưỡng bầu nhiệt huyết đam mê, chân trời mới lại mở ra, thành công bất ngờ lại mỉm cười.
GS Châu còn nhớ như in, những ngày tháng tuyệt vọng sau khi thi tuyển vào Viện Khoa học ở Pháp bị đánh trượt. " Trong buổi phỏng vấn hôm ấy, nhiều vị trong Ban giám khảo đã phá lên khi cười và đánh rớt tôi sau khi nghe trình bày về việc nghiên cứu Bổ đề cơ bản. Lúc ấy tôi đối mặt với hai khó khăn là mọi người không tin mình và chính mình mất niềm tin", anh nói.
Suốt từ năm 2002 đến 2007, GS Châu kiên trì nghiên cứu Bổ đề cơ bản, đưa ra hàng trăm phương án với những ý tưởng mới. Trong lúc bế tắc giữa muôn vàn phương án của bộ đề cơ bản thì đến cuối năm 2007, tình cờ ông gặp một GS người Pháp chia sẻ về công trình của mình đã nghiên cứu cách đó hơn 20 năm nhưng không gặt kết quả gì.
"Lúc ấy tôi cảm giác "trường từ ở não" của mình tăng đột biến, đó là mẩu ghép cuối cùng kết nối với kết quả nghiên cứu bộ đề cơ bản của mình đang thiếu hụt thành bức tranh hoàn hảo", GS Châu nói.