Các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận loài sinh vật lạ trên là loài gì. |
Tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, hôm nay các nhà khoa học vào Quảng Bình và sẽ mang mẫu vật ra Hà Nội để tìm hiểu.
Trao đổi với VnExpress chiều nay, ông Nguyễn Đức Cường, phó giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết đoàn khoa học đã lấy mẫu đưa vào phòng xét nghiệm so sánh, nhưng chưa có kết luận đó là sinh vật gì.
"Tâm lý của người dân lúc này là muốn sớm biết đó là loại sinh vật gì, có hại cho con người hay không. Phía Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên tiếp xúc với sinh vật", ông Cường nói.
Theo ông Lê Xuân Cảnh, có thể ngày mai nhóm nghiên cứu sẽ đưa ra kết luận về "sinh vật lạ" ở Quảng Bình.
"Sinh vật lạ" xuất hiện tại khu vườn một hộ dân ở xã Vạn Trạch, chúng chủ yếu bò lên mặt đất vào ban đêm. Người dân dùng vôi rắc lên nhưng chúng không chết, khi bỏ muối trên miệng lỗ thì sinh vật này lại chui xuống đất.
“Sinh vật lạ này nửa giống con giun, nửa lại giống con đỉa, thân chỉ nhỏ như que tăm, nửa trên đen, nửa dưới lại hơi sáng”, ông Cường miêu tả.
Ông Cường nói thêm, nếu đó là sinh vật gây hại sức khỏe thì Sở Y tế sẽ có hướng xử lý, còn nếu đơn thuần chỉ là giun đất thì phòng nông nghiệp huyện sẽ nghiên cứu xem có tác dụng tốt hay xấu đến đất để xử lý tiếp.
Trả lời báo Kienthuc, ông Nguyễn Văn Châu, Viện sốt rét và ký sinh trùng Trung ương cho biết, "sinh vật lạ" là một loại sinh vật thuộc ngành giun, nhưng loại giun gì thì theo ông Châu phải có nghiên cứu, xem xét mới xác định được.
"Nếu nhìn mắt thường rất khó nhận biết loại giun trên, vì chúng có hình dáng và kích thước nhỏ. Loại sinh vật này chủ yếu sống ở nơi đất xốp như vườn nhà và di chuyển rất chậm. Khi trời mưa, chúng sẽ bò lên mặt đất. Khi đổ hóa chất hay nước xà phòng xuống đất, chúng cũng bò lên vì cay da", ông Châu nói.
Theo ông Châu, loại giun này thực chất không gây hại cho con người, chúng chủ yếu là nguồn thức ăn cho gà thả vườn, con người không nên lo lắng.
“Muốn tiêu diệt loài sinh vật trên, mọi người cần dùng nước vôi pha loãng, hoặc nước xà phòng đổ xuống miệng những lỗ đất, nơi các sinh vật này trú ngụ", nhà nghiên cứu khẳng định.
Văn Đông - Thi Thu