Dân số thế giới hiện đạt mức 7,3 tỷ người. Nếu bản báo cáo mới nhất của Ban dân số Liên Hợp Quốc chính xác, con số này sẽ tăng lên 9,7 tỷ người vào năm 2050. Số liệu trên được công bố trong phiên họp dự báo dân số tại Hội nghị Thống kê Chung 2015 (JSM 2015) tổ chức ở Seattle, Mỹ, hôm 10/8.
Các nhà nghiên cứu sử dụng sự kết hợp phức tạp giữa xu hướng dân số quá khứ, tỉ lệ sinh trong khu vực và dữ liệu già hóa dân số để xây dựng mô hình dự báo dân số thế giới. Tuy đây không phải là mô hình dự báo khoa học chính xác nhất, nhưng các nhà khoa học nói rằng 95% khả năng dân số toàn cầu sẽ rơi vào khoảng 9,5 tỷ và 13,3 tỷ người cuối thế kỷ này.
Kết quả cho thấy, châu Á vẫn là lục địa đông dân nhất thế giới, dự kiến mức cao nhất đạt 5,3 tỷ người vào năm 2050. Châu Phi sẽ chiếm một phần lớn trong sự tăng trưởng dân số của hành tinh. Mặc dù châu Phi hiện tại chỉ có 1,2 tỷ người, nhưng dự kiến dân số tại đây tăng lên khoảng 3,4 tỷ đến 5,6 tỷ người vào năm 2100.
Sự gia tăng dân số ở các nước có mức sinh cao như Niger, Somalia, Nigeria, Gambia và Angola có thể làm nghiêm trọng thêm nhiều vấn đề trong nước, tạo ra áp lực về môi trường, y tế, nguồn lực kinh tế, cũng như chính phủ và cơ sở hạ tầng xạ hội như trường học, cảnh sát và các tổ chức chính trị. Tương tự như vậy, các quốc gia có mức sinh suy giảm và già hóa dân số có thể cần phải chuyển đổi nguồn lực để thu hút thêm lao động.
"Tại những quốc gia đang phát triển với dân số trẻ nhưng khả năng sinh sản thấp, chẳng hạn Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ, họ sẽ phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số trước khi thế kỷ này kết thúc," các nhà nghiên cứu cho hay.
Dân số Mỹ dự kiến ít thay đổi, tăng lên khoảng 1,5 triệu người mỗi năm. Với tốc độ trên, dân số Mỹ ước tính khoảng 450 triệu người vào năm 2100.
Lê Hùng