Họ vẽ bản đồ mới này với sự trợ giúp của APEX, kính viễn vọng mới lắp đặt tại khu vực Atacama, trên cao nguyên Chajnantor, Chile, ở độ cao 5.100 mét so với mực nước biển, theo Science Alert. Bản đồ mới bao phủ phạm vi một vùng Ngân Hà với 140 độ dài và 3 độ rộng, mang các thông tin được giải thích trong hơn 70 bài báo khác nhau.
Đây cũng là lần đầu tiên vùng mặt phẳng thiên hà (Galatic Plane), nơi tập trung phần lớn khối lượng Ngân Hà, được chụp vào bản đồ tại các bước sóng nhỏ hơn mm.
Để chụp ảnh, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một loạt công cụ siêu nhạy như các máy ảnh vi nhiệt kế lớn (LABOCA), có thể "đo các bức xạ tới thông qua các độ tăng nhiệt thu được trên các máy dò và có thể phát hiện những vùng bụi tối lạnh che khuất ánh sáng từ các sao".
Đây là kỹ thuật cho phép các nhà khoa học chụp ảnh được các đám mây khí và bụi trong vùng nhiệt độ ngay sát độ 0 tuyệt đối.
"Làm lạnh xuống ngay sát độ 0 tuyệt đối, camera đã phát hiện được những lượng khí nhỏ ở vùng tối không thể quan sát bằng mắt thường", nhà báo Erin Blakemore giải thích.
Những kết quả này được tăng cường bởi các dữ liệu thu thập được từ vệ tinh Planck của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), cho phép các nhà thiên văn có thể quét một phần lớn hơn của bầu trời chi tiết hơn.
"ATLASGAL đã thay đổi cách nhìn của chúng tôi về môi trường đậm đặc giữa các sao trong Ngân Hà. Bản đồ mới cũng cung cấp dữ liệu cho các nhóm nghiên cứu khai thác trong các dự án tiếp theo", như về chuyển động của hệ Mặt Trời trong tương lai, Leonardo Testi, một hành viên của ATLASGAL cho biết.
Ngoài ra, với khả năng chụp được ảnh các đám mây bụi siêu lạnh, cuộc khảo sát cũng cung cấp một cái nhìn mới về cách các ngôi sao hình thành. Tuy nhiên, do kích thước Ngân Hà quá to lớn, nhiều năm ánh sáng nên bản đồ này chỉ là một tấm bản đồ quá khứ, không phải là bản đồ tại thời điểm quan sát.
Nguyễn Thành Minh