Theo Phys.org, 18 mảnh gương tạo nên mặt gương chính được bảo vệ bằng tấm phủ màu đen khi lắp vào kết cấu kính viễn vọng. Đây là lần đầu tiên những tấm phủ được vén lên từ khi các kỹ sư hoàn thiện mặt gương chính.
Nằm dựng đứng và tỏa ra ánh vàng bên trong phòng vô trùng của Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard trực thuộc NASA ở Greenbelt, Maryland, Mỹ, mặt gương có kích thước lớn nhất trong số những tấm gương đưa vào vũ trụ và là "con mắt" của kính viễn vọng James Webb theo mô tả của NASA. Hiện nay, nhóm kỹ sư đang bận rộn lắp ráp và thử nghiệm bộ phận khác của kính viễn vọng.
Các nhà khoa học trên khắp thế giới sẽ sử dụng đài quan sát độc đáo này để ghi lại hình ảnh và quang phổ của những thiên hà đầu tiên xuất hiện trong vũ trụ thuở sơ khai cách đây hơn 13,5 tỷ năm, cùng với mọi thiên thể như tinh vân hình thành sao, hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, hành tinh và vệ tinh của chúng trong hệ Mặt Trời. Để đảm bảo mặt gương bền và nhẹ, nhóm kỹ sư chế tạo gương từ vật liệu beri.
Mỗi mảnh gương lớn bằng một chiếc bàn uống nước và nặng khoảng 20 kg. Chiếc gương lắp ráp hoàn chỉnh lớn hơn mọi loại tên lửa, do đó hai bên của chiếc gương được gập lại. Sau mỗi mảnh gương có các mô-tơ điều khiển để nhóm kỹ sư có thể điều chỉnh tiêu điểm của kính viễn vọng trong vũ trụ.
Chiếc kính viễn vọng được chờ đón này sẽ trải qua nhiều đợt kiểm tra khắt khe để đảm bảo nó vẫn hoạt động khi phóng vào vũ trụ. Trong vài tháng tới, các kỹ sư sẽ lắp đặt những trang bị quan trọng khác, và hiệu chỉnh thêm nhằm chắc chắn chiếc kính sẵn sàng trước ngày phóng.
Kính viễn vọng Vũ trụ James Webb là phiên bản kế tiếp của kính Hubble. Thiết bị sẽ trở thành chiếc kính viễn vọng mạnh nhất do NASA chế tạo. James Webb sẽ nghiên cứu nhiều giai đoạn trong lịch sử vũ trụ, bao gồm việc hình thành các hệ sao thuận lợi cho sự sống trên những hành tinh tương tự Trái Đất, cũng như quá trình tiến hóa của hệ Mặt Trời.
Theo dự kiến, chiếc kính sẽ phóng trên tên lửa Ariane 5 ở tỉnh Guiana, Nam Mỹ, năm 2018. Kính viễn vọng James Webb là dự án quốc tế do NASA tiến hành với sự hợp tác của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ Canada.
Xem thêm: NASA sắp hoàn thành cỗ máy nhìn về quá khứ 13,5 tỷ năm.
Phương Hoa