Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí PLOS Pathogens, các nhà khoa học ở Đại học Wageningen, Hà Lan, phát hiện một chủng nấm mọc từ đất tên Fusarium oxysporum f.sp. cubense hay còn gọi là bệnh Panama, có khả năng xóa sổ ngành công nghiệp trồng chuối trị giá 11 tỷ USD trên toàn cầu.
Truy theo cấu tạo gene của chủng nấm, nhóm nghiên cứu nhận thấy một dạng nấm gây bệnh Panama tên Tropical Race 4 đang làm chết cây chuối tiêu, loại chuối phổ biến nhất thế giới.
Gert Kema, chuyên gia về chuối ở Đại học Wageningen, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết Tropical Race 4 được phát hiện vào những năm 1960 ở Indonesia, sau đó lan rộng đến Đài Loan, Trung Quốc, và các nước Đông Nam Á khác. Ở mọi nước bị đại dịch tấn công, sản lượng xuất khẩu chuối giảm dần trong vài thập kỷ. Sau vài năm dịch bệnh lan rộng, sản lượng sụt giảm là điều không thể tránh khỏi.
Bệnh Panama tấn công hệ thống mạch của cây chuối, khiến chúng héo rũ nhanh chóng và chuyển thành màu vàng nâu do thiếu nước. Một phần vấn đề là do các nông dân không diệt trừ được loại nấm này mà chỉ có thể kìm hãm nó. Nhưng những nỗ lực để kìm hãm dịch bệnh không hiệu quả.
Theo Kema, hiện nay chủng nấm đã tiến vào Pakistan, Lebanon, Jordan, Oman, Mozambique và bang Queensland phía đông bắc Australia, đồng thời có khả năng hoành hành ở châu Mỹ Latinh sau một thời gian ngắn nữa. Châu Mỹ Latinh là nơi cung cấp hơn 3/5 lượng chuối xuất khẩu trên hành tinh.
Vào những năm 1800, một đại dịch Panama tương tự từng quét qua quần thể chuối Gros Michel, loại chuối được tiêu thụ phổ biến nhất thời đó. Chuối Gros Michel bị xóa sổ nhưng các nhà khoa học Anh giữ lại một lượng nhỏ loại chuối tương tự là chuối tiêu nhằm nghiên cứu và chứng minh chúng kháng lại chủng nấm ban đầu.
Trong hơn 50 năm qua, chuối tiêu trở thành mặt hàng phổ biến ở cửa hàng rau quả, nhưng nghiên cứu ghi nhận dù kháng được dịch bệnh Panama từng xóa sổ Gros Michel, nó không thể chống lại sự tấn công của chủng Tropical Race 4.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn khi quần thể chuối tiêu trên thế giới không có hệ gene đa dạng bởi mỗi hạt giống được nhân bản vô tính, có nghĩa chúng không tiến hóa. Điều này khiến cho cây mất khả năng phòng vệ trước dịch bệnh. Trong khi đó, lượng tiêu thụ chuối ngày nay lớn hơn so với cách đây 40 năm.
Theo nhóm nghiên cứu, việc tìm ra một loại chuối mới không dễ dàng. "Quá trình phát triển loại chuối mới đòi hỏi đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển, cùng với việc công nhận chuối như một trái cây toàn cầu và vụ mùa thu nhập chính, tạo kế sinh nhai cho hàng triệu nông dân", các nhà nghiên cứu kết luận.
Phương Hoa