
Cá Piaractus Brachypomus (cá chim trắng).
Tiến sĩ Phạm Văn Khánh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu thuỷ sản ĐBSCL: Cá chim trắng được nuôi tại Đồng Nai (tên khoa học là Piaractus Brachypomus) hoàn toàn khác với cá Piranhas. Cá chim trắng thuộc họ Characidae, là một trong 15 loài thuộc họ phụ Serrasalminae, có nguồn gốc từ lưu vực sông Amazon và sông Orinoco thuộc Nam Mỹ. Còn Piranhas cùng họ với cá chim trắng nhưng thuộc loài cá dữ, có thể ăn thịt các loài cá khác, thậm chí cả động vật lớn, cũng như có thể gây nguy hiểm cho con người. Về hình dạng, cá Piranhas thân dài hơn, miệng rộng hơn, răng rất bén, bắt mồi rất nhanh.Ông Nguyễn Văn Lãng, chủ nhiệm Câu lạc bộ cá cảnh TP HCM: Cá chim trắng và cá Piranhas đều có vảy bạc và bụng màu đỏ, nhưng đó là hai loại cá khác nhau. Cá chim trắng có hình dáng tròn hơn nhưng bề ngang mỏng, dẹt hơn, miệng nhỏ hơn và không nguy hiểm, dùng làm cá thịt. Trong khi đó, cá Piranhas (tên khoa học là Serrasalmus nattereri) có miệng lớn hơn, răng lởm chởm như răng cá mập và sắc bén như lưỡi dao, lưng thon như cá rô… Cá Piranhas chỉ sống ở nước ngọt, còn cá chim trắng có thể sống được cả ở nước ngọt và nước lợ.

Cá Serrasalmus nattereri (Piranhas).
Ông Nguyễn Việt Thắng, thứ trưởng Bộ Thủy sản: Có thời gian, người dân nhập cá Piranhas về làm cá cảnh, nhưng chúng tôi đã cấm từ lâu rồi. Gần đây có một nhóm cá chim trắng, cũng gần giống nhưng hoàn toàn không phải là loài Piranhas. Nó là loài ăn tạp và rất có thể, khi đói nó cũng ăn các loại con khác. Cá này cũng có khả năng cắn tay người nếu ta thò tay bắt nó. Giống như cá Piranhas, cá chim trắng cũng có cái bụng đỏ. Thông tin ở gần sông Đồng Nai xuất hiện loài cá Piranhas thì Cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phải có trách nhiệm kiểm tra.Ông Nguyễn Duy Hồng - Trưởng phòng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản: Chúng ta chỉ nhập cá chim trắng từ Nam Mỹ về nuôi chứ chưa bao giờ có chủ trương nhập cá Piranhas về cả. Để cấm triệt để, cách đây 2 năm, Chính phủ và Bộ Thuỷ sản đã có văn bản cấm nhập loài cá này. Cá Piranhas và cá chim trắng có cùng một phân họ, và cùng một họ nên tôi chắc người dân ở khu vực đó đã có sự nhầm lẫn. Nếu thông tin từ WWF là đúng thì chúng ta không bao giờ diệt được loài cá này. Nó rất dữ, khi đã thoát ra sông, hồ ao thì coi như “xong”. Nhưng tôi khẳng định, không bao giờ có việc nuôi cá Piranhas tại Việt Nam.
Ông Phạm Văn Miên, trưởng phòng sinh thái học, Viện môi trường và phát triển bền vững: Hiện nay loại cá mà người dân ở Đồng Nai đang nuôi chính là cá Piranhas. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, thế nhưng tác hại về hệ sinh thái là rất lớn. Chúng ta không nên vì kinh tế mà bỏ qua yếu tố này, cần phải tiêu diệt loài cá Piranhas để đừng xảy ra một vụ ốc bươu vàng thứ hai ở Việt Nam.
Anh Dương Văn Hoà, chủ tịch hội nông dân xã Đăk Lua, huyện Tân Phú, Đồng Nai: Giống cá đang nuôi ở xã do Vườn Quốc gia Cát Tiên cung cấp, đặc điểm của nó là rất tạp ăn. Nó có thể ăn cả ruột gà, ruột heo trong nháy mắt, răng của nó như răng chó, đúng là rất hung hăng. Hiện nay, các hộ ở xã Đắk Lua đang chuẩn bị thu hoạch. Hai ngày gần đây, Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Tiên đã thông báo về loài cá này và đề nghị xã không được nuôi nữa.
Ông Đào Duy Mai, trưởng trạm khuyến nông huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng: Quan điểm của chúng tôi là muốn phối hợp hỗ trợ cho bà con nông dân nuôi loài cá này để phát triển kinh tế thuỷ sản ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, vừa rồi có dư luận và Đài truyền hình tỉnh Lâm Đồng cũng phát tin khuyến cáo, thế nhưng chúng tôi vẫn chưa có một văn bản chính thức nào của cơ quan chức năng yêu cầu không nuôi cá. Ngày 24/6 tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai tập huấn cách nuôi cá cho bà con biết.
(Theo Thanh Niên)