Hai năm trước, phần lớn tinh tinh sử dụng trong nghiên cứu y học ở Mỹ được cho "về hưu" và thả về các khu bảo tồn để sống tiếp phần đời còn lại. Hôm 18/11, Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ (NIH) thông báo chính thức ngừng chương trình nghiên cứu dựa trên tinh tinh.
Theo kế hoạch, 50 con tinh tinh do NIH sở hữu sẽ được đưa tới các khu bảo tồn và 82 con tinh tinh thuộc các cơ sở nghiên cứu y khoa khác sẽ tự do trong thời gian tới.
"Tôi nghĩ đây là bước tiến rất tự nhiên sau quá trình 5 năm đánh giá những lợi ích và rủi ro của việc thực hiện nghiên cứu trên loài vật đặc biệt này. Đã đến lúc chúng ta không còn cần thực hiện nghiên cứu dựa trên tinh tinh", Francis Collins, giám đốc NIH, chia sẻ về quyết định với Nature.
Khoản 310 con tinh tinh thí nghiệm được trả tự do vào năm 2013. Đầu năm nay, chính phủ Mỹ đưa ra luật bảo vệ tinh tinh thí nghiệm tương tự như động vật có nguy cơ tuyệt chủng và cấm mọi nghiên cứu dựa trên tinh tinh. Tuy nhiên, những nghiên cứu hành vi sử dụng tinh tinh vẫn được phép tiến hành.
Đây là một bước đi tiên phong ở Mỹ trong khi nhiều nước khác đã ban hành lệnh cấm dùng các loài linh trưởng để phục vụ nghiên cứu y học như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển, Đức, Áo và Anh.
Tinh tinh trở thành đối tượng nghiên cứu do có nhiều đặc điểm giống con người về mặt sinh lý học và gene. Nhưng nhiều ý kiến phản đối cho rằng gây tổn thương cho loài vật gần gũi với loài người này dưới danh nghĩa khoa học là trái đạo đức.
Phương Hoa