Trong quá trình xác định loài của Nicotiana benthamiana, loại cây thuốc lá cổ đại ở Australia, các nhà nghiên cứu ở Đại học Queesland đã phát hiện ra bí quyết trường thọ của loài thực vật được các bộ lạc bản xứ gọi là Pitjuri này.
"Chúng tôi phát hiện đây là phiên bản thực vật của những con chuột suy giảm miễn dịch thường được sử dụng trong các phòng thí nghiệm", IB Times hôm qua dẫn lời tiến sĩ Julia Bally, người đứng đầu nhóm nghiên cứu.
Sau khi tính toán, nhóm nghiên cứu phát hiện loài cây Pitjuri đã tồn tại trong tự nhiên khoảng 750.000 năm, vượt qua mọi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và môi trường. Để làm được điều này, Pitjuri đã dồn sức để nảy mầm, phát triển, ra hoa và tạo hạt nhanh chóng ngay sau khi có mưa, dù chỉ với một lượng nhỏ.
Theo Bally, để có thể sản sinh lượng lớn hạt giống và phát tán các hạt giống xuống đất để chờ tới cơn mưa tiếp theo, Pitjuri phải đánh đổi bằng sức đề kháng bệnh tật. Bởi vậy, nó là đối tượng nghiên cứu lý tưởng để thiết lập nền tảng cho việc trồng rau trong điều kiện vô trùng và ít nước như trên vũ trụ.
Phương Hoa