Đặt câu hỏi trong buổi chất vấn Bộ trưởng Khoa học Nguyễn Quân sáng 12/6, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường băn khoăn về việc nhà nước chi ngân sách khá lớn nhưng đề tài nghiên cứu xong cho vào ngăn kéo, chưa được áp dụng. "Có phải là đầu tư chưa đúng chỗ, chưa đúng người đúng việc, vẫn còn cơ chế xin cho? Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào", đại biểu băn khoăn.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hàng năm, chi cho khoa học công nghệ không phải ở mức 1.300 tỷ mà khoảng 3.000 tỷ đồng. Thuật ngữ đề tài xếp ngăn kéo thường được nghe, nhưng nó có 3 loại. Thứ nhất là nghiên cứu cơ bản vì những nghiên cứu như vậy thường đi trước, phải chờ đợi sự phát triển của thời đại, đến một lúc nào đó mới có thể ứng dụng.
Bộ trưởng lấy ví dụ về Chất bán dẫn được người Mỹ phát minh từ đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước nhưng phải xếp ngăn kéo đến đầu thập kỷ 60 khi người Nhật mua, nó mới trở thành sản phẩm hàng hóa. Ngày nay mỗi năm chất bán dẫn đóng góp cho thế giới 20.000 tỷ USD. Vì thế các đề tài nghiên cứu cơ bản chúng ta phải chấp nhận có giai đoạn chờ đợi.
Thứ hai là những nghiên cứu ứng dụng. Những đề tài này muốn trở thành hàng hóa phải có đầu tư. Rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư, ngân sách nhà nước chỉ chi cho nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Doanh nghiệp nước lại nhỏ và siêu nhỏ nên chưa đủ năng lực đầu tư, bởi vậy nhiều nghiên cứu tốt vẫn phải chờ các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài.
Bộ trưởng thừa nhận có những đề tài xếp ngăn kéo thực sự vì nghiên cứu chỉ theo sở thích và mong muốn của những người làm khoa học, không xuất phát từ thực tiễn, đòi hỏi của sản xuất và kinh doanh. Theo Bộ trưởng Quân, việc này cũng tốt vì các nhà khoa học có ý tưởng, có nguyện vọng được nghiên cứu, nhưng họ chưa thực tế, nên tính ứng dụng chưa cao.
Luật Khoa học công nghệ (KHCN) 2013 có những nội dung quan trọng khắc phục tình trạng này. Luật quy định những nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước phải theo đặt hàng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh chứ không phải từ ý thích của các nhà khoa học. Nghị định 08 năm 2014 của Bộ Khoa học cũng quy định cơ chế đặt hàng. Theo đó tổ chức, cá nhân được đề xuất, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước phải căn cứ vào nhiệm vụ, xác định đề xuất đó có phù hợp nhu cầu không, sau đó mới đề xuất với các cơ quan quản lý về KHCN. Cơ quan đó phải cam kết sau khi nghiên cứu thành công phải được ứng dụng vào thực tiễn.
"Nếu thực hiện nghiêm luật KHCN 2013 sẽ không còn hiện tượng đề tài xếp ngăn kéo", Bộ trưởng khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao đến nay Việt Nam chưa có thị trường KHCN, phải chăng do cơ chế phân bố đề tài, kinh phí là nguyên nhân khiến thị trường KHCN chậm ra đời. "Bộ trưởng có trách nhiệm và giải pháp gì", bà Thúy đặt câu hỏi.
Giải đáp vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết thị trường KHCN phát triển muộn nhất trong các thị trường ở Việt Nam. Các thị trường khác đã phát triển 20 năm qua trong khi thị trường KHCN sau năm 2000 mới bắt đầu được xây dựng, dù đã được manh nha từ thời kỳ đổi mới.
Năm 2004, Thủ tướng đã có quyết định phát triển thị trường này, năm 2014, Thủ tướng tiếp tục ban hành quyết định tiếp tục thúc đẩy phát triển KHCN. Thị trường có 4 yếu tố nhưng trước đây chúng ta chỉ quan tâm đến hai là nguồn cung và cầu. Nguồn cung của các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học, còn cầu là các doanh nghiệp. Còn 2 yếu tố nữa chưa được quan tâm thỏa đáng là định chế trung gian và môi trường pháp lý.
Những năm gần đây, Bộ đã quan tâm xây dựng thể chế, các đạo luật trình lên Quốc hội đã gần hoàn thiện. Các định chế trung gian hiện rất yếu kém vì các tổ chức làm dịch vụ, môi giới, tư vấn, đánh giá, định giá, kiểm tra, kiểm định còn thiếu. Vì vậy các nhà khoa học không tìm được các địa chỉ ứng dụng, còn các doanh nghiệp lại đi tìm kiếm sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.
Những năm qua, các sàn giao dịch công nghệ được lập ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,... bắt đầu đi vào hoạt động. Các chợ công nghệ thiết bị quốc tế, quốc gia, khu vực được tổ chức, qua đó các nhà khoa học ký được nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ. Các sự kiện kết nối cung cầu ở các địa phương để các nhà khoa học giới thiệu sản phẩm của mình.
Theo Bộ trưởng, các đơn vị công lập còn nhiều khó khăn trong khi tư nhân chưa quan tâm đến vấn đề này. "Chúng tôi đã trình Thủ tướng các chính sách tạo thị trường công nghệ quốc gia, tìm kiếm các nguồn đầu tư để phát triển các định chế trung gian hỗ trợ nguồn cung, cầu", Bộ trưởng phát biểu.
Việc bố trí ngân sách từ kinh phí nhà nước cho công nghệ có ảnh hưởng rất lớn. Do khó khăn về ngân sách, biên chế nên chúng ta khó có được các tổ chức dịch vụ trung gian với số lượng đông đảo. "Nhưng chúng tôi cũng thừa nhận trách nhiệm của Bộ và cá nhân Bộ trường, trong 10 năm qua chưa làm được nhiều để hoàn thành 4 khâu của thị trường công nghệ. Trong những năm tới chúng tôi sẽ tập trung vào khâu yếu này để thị trường công nghệ được vận hành hiệu quả", Bộ trưởng thừa nhận.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang băn khoăn về ngân sách nhà nước chi cho khoa học dự toán 2% nhưng nhiều nơi không sử dụng hết hoặc là chi không đúng, vậy giải pháp khắc phục là gì? Bộ trưởng Nông nghiệp cho biết sẽ cho nhập các giống cây trồng để phát triển, Bộ trưởng đồng tình không? Đánh giá về năng lực sản xuất giống cây trồng hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hàng năm dự toán ngân sách dành 2% tổng chi cho KHCN. Phần thực giao dưới 2% vì để một phần dự phòng và an ninh quốc phòng. Bộ đã có ý kiến phần dự phòng những năm gần đây quá nhiều nên phần thực đạt dưới 1,5%, chưa đủ đảm bảo cho KHCN hiệu quả. Năm vừa qua được sự ủng hộ của Bộ Tài chính được bố trí 1,52% tương đương 17.200 tỷ đồng.
Thực tế có tình trạng sử dụng không hết ngân sách. Trước đây sử dụng theo cơ chế tư duy cũ, kế hoạch phải được báo cáo từ tháng 7 năm trước, đến năm sau mới được giao kinh phí thì đã bị chậm, như nghiên cứu dịch bệnh. Nhiều người xin không nghiên cứu nữa nên phải hoàn lại ngân sách nhà nước. Nhiều địa phương sử dụng kinh phí không đúng mục đích. Từ nay, kinh phí sẽ thực hiện theo cơ chế quỹ, giao cho KHCN, đề tài được phê duyệt đến đâu sẽ cấp tiền đến đấy.
Các viện, trường không có kinh phí nghiên cứu trong khi các doanh nghiệp không dùng hết phải đóng góp cho các đơn vị nghiên cứu khác. Như tập đoàn Viettel dành nguồn quỹ cho KHCN, nếu không dùng hết thì giúp cho quỹ nghiên cứu của Bộ Quốc phòng.
Về giống cây trồng vật nuôi, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam có nhiều giống tốt nhưng thế giới có nhiều nguồn tốt hơn. Bộ ủng hộ nhập khẩu giống có năng suất cao để sản phẩm cạnh tranh được với thế giới. "Bên cạnh hỗ trợ Bộ Nông nghiệp, chúng tôi tìm giống tốt nhập khẩu như bò Nhật Bản, cam không hạt của Mỹ...Việc bảo tồn được nguồn gien bản địa lai tạo nguồn gien nhập khẩu là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải xây dựng bảo tồn gien cây quý hiếm bản địa như cam Vinh, cây trái Nam Bộ", Bộ trưởng nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá đặt vấn đề chuyển đổi sang cơ chế tự chủ chậm, Bộ trưởng cho biết nghị định 115 đã thực hiện 10 năm nhưng vẫn còn 1/4 số đơn vị chưa có ý định chuyển đổi vì tâm lý bao cấp nặng nề. "Họ nghĩ rằng chuyển đổi thì nhà nước sẽ không chăm lo, chúng tôi giải thích chỉ thay đổi cách hỗ trợ theo chi thường xuyên, các đề tài dự án", Bộ trưởng lý giải.
"Chúng tôi tin tưởng với nghị định 16 và sắp tới sẽ chuyển đổi thành công cơ chế tự chủ cho các tổ chức KHCN", Bộ trưởng Quân khẳng định.
Đại biểu Khá cũng băn khoăn về ứng dụng KHCN vào nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết nguyên nhân là do kinh phí và cơ chế. Việc giao kinh phí đang chưa kịp thời, nguồn lực hạn chế. Bộ Nông nghiệp với trên 7.000 người làm KHCN và gần 100 trung tâm nghiên cứu là rất ít ỏi. Các đề tài nghiên cứu vào được cuộc sống rất khó khăn. Xuất khẩu nhiều, doanh thu lớn nhưng các nhà nông nghiệp chưa được bù đắp xứng đáng.
Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Quân, đại biểu Thùy Trang hỏi thêm về nguồn lực nghiên cứu cho Nông nghiệp. Ông Quân cho biết Bộ đã cho bảo tồn quỹ gen các giống phù hợp với điều kiện canh tác, song song với việc nhập và làm chủ nguồn vốn gen của nước ngoài. Bộ trưởng thừa nhận hiện việc bảo tồn gen hiện được làm tốt nhưng phát triển chưa hiệu quả. Việt Nam cũng đã thành công trong việc lai tạo giống cá tầm và cá hồi (là cá nước lạnh).
"Chúng tôi có trách nhiệm chưa thu hút được các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Thời gian tới ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ để kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng vào sản xuất", ông Quân nói.
Về băn khoăn của đại biểu Nguyễn Thị Khá về xử lý các đề tài không được nghiệm thu, Bộ trưởng cho hay những đề tài vi phạm, không có khả năng hoàn thành thì sẽ cho dừng và thu hồi khoản kinh phí đã cấp. Tuy nhiên, vẫn còn tâm lý ỷ lại của các nhà khoa học nên nợ đọng thu hồi lớn, nợ xấu trong KHCN còn nhiều. Bộ Khoa học yêu cầu các đơn vị báo cáo nhưng chế độ báo cáo kém.
"Đại biểu hỏi có tiêu chí nào để đánh giá KHCN, hiện chúng tôi đang đánh giá là đầu ra, yếu tố TFP với đầu vào là khoa học công nghệ, vốn và lao động, đầu ra là tăng trưởng GDP. Trước đây TFP âm, nhưng gần đây đã dương, năm 2014 đạt 35,8%, năm nay có thể 39%. Nghĩa là trong tăng trưởng GDP khoa học công nghệ đóng góp 39%", Bộ trưởng Quân cho hay.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh, phải khẳng định lãng phí trong KHCN lớn, hiệu quả mang lại chưa tương xứng với đầu tư. "Sắp tới có trình Chính phủ có cách nào để xét duyệt đề tài không? Làm sao để loại bỏ những đề tài không có tính ứng dụng, đặc biệt là các đề tài trong lĩnh vực Khoa học xã hội. Khâu kiểm soát cần thực hiện như thế nào?", ông Cương đặt câu hỏi.
Bộ trưởng cho hay, Luật KHCN 2013 đặt ra cơ chế đặt hàng sẽ hạn chế những đề tài không có địa chỉ ứng dụng. Bộ Khoa học cũng có quy định về quy trình xét duyệt đề tài chặt chẽ với 8 thông tư hướng dẫn quy trình thủ tục. Nhiều người phàn nàn Hội đồng khoa học không khách quan, không đúng trình độ, năng lực, do các yếu tố quen biết...tuy nhiên ông Quân cho biết Bộ Khoa học đã xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia, có hội đồng độc lập cung cấp các chuyên gia này, nên khách quan và ngẫu nhiên, đảm bảo cho những người có năng lực đều được nghiên cứu khoa học.
Việc đại biểu nhận định một số đề tài khoa học xã hội không có tính ứng dụng cao, Bộ trưởng cho rằng để đánh giá những công trình này cũng như địa chỉ sử dụng khó xác định. Nhiều khi nó chỉ là một kiến nghị, đánh giá trong xây dựng cơ chế chính sách nên hội đồng khoa học phải lựa chọn cẩn thận. Các đề tài đã nhận kinh phí nhưng không hoàn thành thì cơ quan chủ trì sẽ không được tham gia các dự án trong 2 năm, cá nhân vi phạm có thể bị loại vĩnh viễn hoặc treo bút từ 3-5 năm. "Các chế tài như vậy theo tôi đã đủ sức răn đe", Bộ trưởng nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương nêu thực trạng nghiên cứu chậm ứng dụng vào thực tế chậm, đặc biệt là trong Nông nghiệp và việc thiếu kinh phí thực hiện. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết Chính phủ đã có chương trình đổi mới khoa học công nghệ quốc gia. Quỹ phát triển công nghệ quốc gia chủ yếu phục vụ cho nghiên cứu khoa học công nghệ cơ bản và phát huy rất tốt trong 5 năm vừa qua. Tốc độ công bố quốc tế cũng tăng 2 lần nhưng việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, Chính phủ đã có thêm quỹ đổi mới công nghệ quốc gia với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Các đề tài nghiên cứu thành công, tìm được địa chỉ ứng dụng vào doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải lập dự án đầu tư để sản xuất kinh doanh sẽ được ngân sách hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí dự án, 50% đối với vùng sâu và an ninh quốc phòng. Điều quan trọng là doanh nghiệp có đủ nguồn vốn đối ứng và phối hợp tốt với tác giả không.
Trước năm 2000 các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ trong khi ở các nước phát triển và đang phát triển đều đặt mục tiêu xã hội phải đầu tư cho khoa học công nghệ hơn ngân sách nhà nước. Ngay cả các nước lân cận như Trung Quốc xã hội đầu tư cho khoa học nhiều gấp hơn 3 lần ngân sách quốc gia đầu tư. Hàn Quốc là nước đi đầu với nguồn doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ nhiều gấp 10 lần nhà nước.
Trong khi Việt Nam hiện nay với nỗ lực lớn của Chính phủ và quy định của Pháp luật mới huy động được nguồn của doanh nghiệp bằng 80-90% so với ngân sách nhà nước. Như vậy, không đạt được mục tiêu chiến lược phát triển KHCN tới 2020 có 2% GDP quốc gia cho KHCN (nghĩa là đầu tư của xã hội phải lớn gấp 3 lần đầu tư tiền ngân sách nhà nước, vì 2% tổng chi ngân sách chỉ tương đương 0,5% GDP quốc gia).
"Khi thảo luận Luật KHCN, chúng tôi muốn bắt buộc các doanh nghiệp phải dành một phần lợi nhuận để phát triển KHCN, nhưng sau thảo luận Quốc hội mới chỉ cho phép ở việc bắt buộc các doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân. Mức đóng cũng mới dừng lại ở tối thiểu 3%, tối đa 10%, chưa đáp ứng được mong muốn của Bộ và thông lệ quốc tế", ông Quân nói và cho biết nếu làm tốt việc này thì Việt Nam có thể có mức xã hội hóa gấp 2 lần so với mức đầu tư từ ngân sách, đủ kinh phí cho họat động và ứng dụng.
Cụ thể, Tập đoàn viễn thông quân đội và Dầu khí quốc gia Việt Nam rất gương mẫu trong việc này. Năm nay Viettel dự kiến dành đủ 10% thu nhập tính thuế với mức hơn 4.000 tỷ đồng cho KHCN, không dùng hết thì dành cho quỹ của Bộ quốc phòng hoặc quốc gia.
Đại biểu nói rằng nên trích mỗi kg nông sản xuất khẩu 1 USD để đầu tư trở lại cho KHCN, Bộ trưởng cho biết, đó là ý kiến của ông từ nhiều năm nhưng chưa thực hiện được. Nếu mỗi kg gạo trích lại 1 USD, mỗi năm xuất khẩu 7 tấn gạo, sẽ có 7 triệu USD (140 tỷ đồng), lớn gấp 4 lần kinh phí đầu tư cho Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện mỗi năm Viện chỉ được nhận 35 tỷ đồng cả chi thường xuyên và chi cho nghiên cứu. Như vậy các nhà khoa học Việt Nam có thể tạo ra giống nhưng không có kinh phí để thương mại hóa nó, đưa vào sản xuất ở quy mô lớn.
"Tôi ủng hộ ý kiến này, nhưng phải biến thành luật thì mới có thể thực hiện được, đặc biệt là để các doanh nghiệp xuất khẩu nhận thấy trách nhiệm của mình đối với phát triển KHCN của đất nước, đời sống của các nhà khoa học", Bộ trưởng KHCN bày tỏ.
Về vấn đề lãng phí trong khoa học, ông Quân 'không dám nói không có lãng phí'. Ông cho biết, trong 17.300 tỷ dành cho hạ tầng thiết bị, trên 40% dành cho chi thường xuyên (tức chi phí trả lương cho bộ máy của cơ quan khoa học công nghệ), chỉ còn gần 20% cho nghiên cứu (khoảng 3.850 tỷ đồng) cho cả cơ sở và quốc gia, nếu chia cho 14.000 cán bộ KHCN trong cả nước thì rất thấp. Mỗi viện nghiên cứu chỉ được hơn 1 tỷ đồng, mỗi cán bộ hơn 30 trồng cho nghiên cứu, rất thấp trong khu vực và thế giới.
Do cơ chế đầu tư chưa tới ngưỡng. Để có một công bố cho tạp chí quốc tế, phải đầu tư cho khoa học 150.000 USD, để có bằng sáng chế cho KHCN phải đầu tư 2.000 USD. Việt Nam năm qua dù đầu tư hạn chế nhưng đã có hơn 2.600 bài báo quốc tế, 200 sáng chế.
Chủ tịch Quốc hội ngắt lời Bộ trưởng hỏi "vậy có lãng phí không?". Bộ trưởng hồi đáp "Chắc chắn lãng phí có vì đầu tư chưa tới ngưỡng và những lãng phí mang tính tham nhũng".
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng phàn nàn về quản lý sử dụng kinh phí thiếu công khai minh bạch, đối với Bộ Khoa học dễ, các ngành khác thì khó, có sự ăn chia với cán bộ quản lý với nhà khoa học, tỷ lệ 20-30% làm ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quân khẳng định hiện tại chưa có ai phản ánh và cung cấp tài liệu về việc này.
"Nếu có, mong các đại biểu hãy chuyển tư liệu, địa chỉ về những người làm sai để xử lý nghiêm", Bộ trưởng Quân khẳng định.
Hoàng Thùy