Trái đất nhìn từ mặt trăng. |
Mặt trăng chính là tấm gương “chứng kiến và ghi nhận tất cả những cú va chạm của trái đất”, John Armstrong tại Đại học Washington (bang Seatle, Mỹ), nhận định. Trong một nghiên cứu mới đây, Armstrong và cộng sự đã ước đoán tác động của những vụ thiên thạch bắn phá trái đất, bằng cách đo số lượng và kích cỡ của các miệng hố trên mặt trăng. Từ đó, họ tính ra lượng đất đá mà trái đất bị bốc tung vào vũ trụ sau mỗi vụ va chạm, và khả năng chúng rơi xuống vệ tinh này.
Theo các nhà nghiên cứu, cứ trên 100 km2 bề mặt mặt trăng lại có khoảng 20 tấn mảnh vụn của trái đất, 180 kg đất sao Hỏa và 80 kg đất sao Kim. Với việc thu thập 3 loại mảnh vụn này và so sánh, các nhà khoa học tin tưởng họ sẽ tạo ra bức chân dung thực sự của các hành tinh thủa ban đầu, "đánh dấu chấm hết cho những phỏng đoán mơ hồ lâu nay".
Một mục đích nữa của dự án là tìm hiểu nguồn gốc sự sống trên trái đất. Từ nhiều thập kỷ qua, chủ đề này đã là tâm điểm tranh cãi của các nhà khoa học. Tuy nhiên, chưa ai có thể chắc chắn về kết quả cuối cùng. Đó là vì họ không thể tìm được trên trái đất những mẩu đá có tuổi lớn hơn 3,8 tỷ năm (là niên đại sớm nhất của sự sống mà con người từng tìm thấy). Hoạt động xói mòn và sự trôi dạt lục địa đã xóa sạch các mẫu đất đá cổ này. Nhưng mặt trăng thì khác. Bề mặt của nó hầu như không bị biến động kể từ khi hình thành tới nay (trừ những chỗ bị thiên thạch va chạm). Vì thế, những mảnh vụn của trái đất vẫn ở yên trên đó, với đầy đủ dấu ấn về tuổi tác. Và có thể chúng đang chứa những dấu vết hóa học của sự sống, hay thậm chí cả các vi sinh vật hóa thạch.
Nhóm nghiên cứu cho biết, họ dự kiến sẽ phóng một robot rẻ, chẳng hạn chiếc SMART-1 của Cơ quan vũ trụ châu Âu, vào năm 2003 để thu thập những vật liệu này. Tuy nhiên, Phil Bland, tại Đại học Hoàng gia London, cho biết, vì những mẩu đá va chạm vào mặt trăng với tốc độ cực lớn, nên chúng sẽ bị vỡ vụn làm nhiều mảnh, và khó có thể tìm thấy những mảnh lớn hơn một hạt cát ở đây.
B.H. (theo Nature)