Hội chứng sợ máy bay (Pteromerhanophobia) được xếp loại là một nỗi ám ảnh đặc biệt ở người. Những người mắc hội chứng này thường có nỗi sợ hãi dai dẳng vì phải di chuyển bằng máy bay hoặc các suy nghĩ liên quan đến máy bay.
Nỗi sợ hãi này thường xuất hiện ở phụ nữ và bắt đầu chủ yếu ở trẻ nhỏ hoặc giai đoạn 20 tuổi. Sợ máy bay có thể là một hội chứng độc lập, nhưng đôi khi cũng là sự kết hợp hoặc ảnh hưởng gián tiếp từ hội chứng sợ không gian hẹp hay sợ độ cao ở người.
Bên cạnh đó, nhiều người còn cảm thấy sợ hãi và muốn hạn chế di chuyển bằng máy bay vì bị ảnh hưởng từ hội chứng sợ khoảng trống (agoraphobia), với biểu hiện luôn lo lắng về một vụ tấn công sẽ xảy ra khi ở trên máy bay.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của hội chứng sợ máy bay là một vấn đề đang còn gây tranh cãi. Trong khi hầu hết các nhà nghiên cứu tin rằng đây hội chứng hình thành do con người tự tiếp nhận, thì các nhân tố khiến họ cảm thấy bị ảnh hưởng từ sự phát triển của triệu chứng này theo thời gian lại có thể khác nhau.
Trong một chuyến bay, một người có thể trải qua cảm giác bất an, sợ các âm thanh lớn hay bị đau vì thay đổi áp suất. Tất cả những điều này này có thể là tác nhân kích thích tạo ra sự lo lắng hay kết hợp với các yếu tố khác khiến hành khách cảm thấy sợ hãi. Nếu một cá nhân có xu hướng hình dung hay tưởng tượng quá nhiều đến khả năng xảy ra các viễn cảnh thảm khốc trên máy bay dựa trên các yếu tố này, người đó sẽ dễ mắc hội chứng sợ máy bay.
Theo nghiên cứu, khả năng khó kiểm soát ở một số cá nhân, việc tiếp nhận thông tin sai lệch về tính an toàn của máy bay, đặc tính sinh học hay các biến cố gây sốc từng trải qua ở người cũng là các nhân tố khác ảnh hưởng đến sự phát triển hội chứng này.
Các biện pháp khắc chế
Liệu pháp hành vi nhận thức với các hoạt động tiếp xúc, thư giãn và điều chỉnh hành vi là một biện pháp có thể hạn chế nỗi sợ hãi này của con người. Theo phương pháp truyền thống, liệu pháp tiếp xúc phải được tiến hành trên các chuyến bay thực. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng trong các mô hình bay giả ngày này. Một số trường hợp mắc hội chứng sợ máy bay đã được điều trị thành công bằng cách áp dụng công nghệ mới này.
Các giải pháp chữa trị bằng thuốc có thể không đạt hiệu quả và trên thực tế đã không thành công. Thông thường, hành khách sẽ dùng thuốc an thần hay uống rượu trước mỗi chuyến bay. Tuy nhiên các phương pháp này chỉ có tác dụng tạm thời. Ngoài ra, thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng cùng với liệu pháp hành vi để chữa trị hội chứng này.
Theo NBC News, sự biến mất bí ẩn của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 có thể khiến số lượng người cảm thấy lo sợ về máy bay nhiều hơn và làm tăng nỗi sợ hãi ở những người mắc hội chứng này.
Về mặt tạm thời, nó có thể khiến những người không mắc hội chứng cảm thấy khó chịu với máy bay. Còn đối với những người vốn đã ám ảnh về máy bay, đây là nguyên nhân khiến họ phải tạm dừng việc di chuyển bằng máy bay trong một thời gian, Martin Seif, một nhà tâm lý học lâm sàng chuyên chữa trị các bệnh nhân mắc chứng sợ máy bay, cho hay.
Về lâu dài, một vụ tai nạn máy bay sẽ không có tác động kéo dài đến số lượng hành khách tiếp tục sử dụng máy bay. Điều này được lý giải bởi thực tế rằng con người vẫn cần phải di chuyển và hầu hết mọi người đều hiểu rằng máy bay là một phương tiện khá an toàn
Sau sự cố với chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines, các chuyên gia cho biết họ có thể sẽ phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân có triệu chứng của hội chứng sợ máy bay. Chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 mất tích trên hành trình bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh hôm 8/3. Sau hơn một tuần tìm kiếm, tung tích của nó vẫn còn là một bí ẩn.
Ron Nielsen, giảng viên tại lớp học vượt qua nỗi sợ hãi khi đi máy bay tại Sân bay Quốc tế Phoenix Sky Harbor (Mỹ), cho biết ông nhận được khá nhiều cuộc gọi từ những người cảm thấy căng thẳng vì đi máy bay kể từ khi phi cơ MH370 mất tích.
Theo Nielsen, một phi công đã nghỉ hưu và từng làm việc tại hãng hàng không America West Airlines, những người này có thể coi trường hợp của MH370 là minh chứng cho tất cả nỗi sợ hãi của họ.
Thùy Linh