1. Nhà trú ẩn năng lượng mặt trời IKEA Ngôi nhà trú ẩn với thiết kế dạng hộp, dễ lắp ráp và vận chuyển được lắp đặt nhằm phục vụ mục đích sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp. Căn nhà trú ẩn được có diện tích khoảng 18 m2, thời gian lắp đặt chỉ khoảng 4 giờ. Với kích thước gấp hai lần một lều thông thường, căn nhà có thể cung cấp đủ chỗ cho 5 người. Nhà trú ẩn sử dụng tấm lợp năng lượng mặt trời, do đó không cần dùng đến nến hoặc đèn dầu và hạn chế nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, và cũng có thể duy trì nhiệt độ mát mẻ vào mùa hè. 2. Nhà bong bóng di động Căn nhà bong bóng di động cho phép trú ẩn khi gặp trường hợp khẩn cấp ở trong hai ngày, tuy nhiên cũng được trang bị những phụ kiện tiện ích khác giúp người sử dụng kéo dài thời gian nghỉ nếu cần. "Bức tường" bao quanh của ngôi nhà là một lớp chất liệu bằng nhựa được treo lên một khung nhôm và phủ xuống mặt đất. Căn phòng có đầy đủ nguồn nước, một nhà bếp nhỏ, đèn chiếu sáng và dụng cụ giặt ủi. 3. Nhà trú ẩn hình nếp gấp Không chỉ là nơi trú ẩn tiện dụng cho con người khi gặp các tình huống khẩn cấp, căn nhà trú ẩn này còn có thiết kế khá đẹp mắt với hình dáng của một chiếc đàn accordion. Với căn nhà này, một gia đình có 4 người có thể sống trong khoảng một tháng. Được thiết kế theo dạng nếp gấp, một người lớn chỉ mất khoảng vài phút để dựng ngôi nhà. Căn nhà được làm từ hợp chất polypropylene không độc hại và có thể tái chế 100 % sau khi sử dụng. 4. Nhà trú ẩn khẩn cấp EDV-01 Nhà trú ẩn khẩn cấp công nghệ cao EDV-01 có kích thước tương đương với một thùng hàng được vận chuyển bằng đường biển, khi ấn công tắc trong trường hợp cần thiết, ngôi nhà sẽ có chiều cao gấp đôi. EDV-01 có giường tầng, phòng bếp nhỏ, nhà vệ sinh sinh học, kho dự trữ đồ ăn và vật dụng cần thiết và có thể được vận chuyển bằng xe tải hoặc máy bay đến các khu vực nguy hiểm. Căn nhà có thể duy trì hoạt động trong vòng một tháng bằng cách tự lấy nước và phát điện nhờ vào năng lượng mặt trời. Lớp vỏ bên ngoài của căn nhà sẽ phát sáng làm dấu hiệu thông báo cho những người khác ở xung quanh. 5. AbleNook Căn nhà đa năng này không chỉ được sử dụng làm nhà trú ẩn trong các trường hợp khẩn cấp mà còn có thể tận dụng làm phòng học hoặc thậm chí làm văn phòng. Các bộ phận của căn nhà đều có dạng mặt phẳng và dễ gấp gọn, vận chuyển dễ dàng và chỉ cần hai giờ để lắp ráp. Các rầm sàn và các cột của căn nhà đều giống nhau và được dùng để dự trữ các ống dẫn điện. Căn nhà được thiết kế với phòng ngủ, bếp, không gian làm việc, phòng tắm. 6. Nhà gấp Nhà trú ẩn dạng gấp được xây dựng dựa trên ý tưởng các nếp gấp trong nghệ thuật gấp giấy origami. Các căn nhà đều được xây dựng bằng vật liệu tái tạo và có thể gấp lại dễ dàng thành nhiều hình dạng khác nhau. Nhà gấp sử dụng hệ thống các cọc tre lắp ráp lại thành các ngôi nhà có cấu trúc hình học khác nhau. Các cấu trúc này sau đó được phủ bằng giấy tái chế. 7. Nhà Green Horizon Green Horizon được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu tái chế, có sức chứa 4 người, cung cấp thức ăn, điện và nước đủ dùng trong vòng một tuần. Với cấu trúc một khung kim loại đúc sẵn, căn nhà còn có thể được xây dựng để phục vụ cho các mục đích khác nhau như nhà y tế, nhà công cộng, văn phòng... Green Horizon còn tự phát điện bằng cách sử dụng các tấm quang điện và máy phát điện năng lượng sinh học mà vẫn có năng lượng dư thừa. Các ngôi nhà cũng có thể được tái sử dụng nhiều lần. 8. Hệ thống phản ứng tạm thời MASTODON MASTODON có hình dáng giống một chiếc xe lội nước có kích thước lớn, được trang bị hệ thống thang máy và có thể sử dụng làm phương tiện cứu hộ khi có lũ lụt. Sau khi một cơn lũ hay một trận động đất xảy ra, phần tháp phía bên trên của MASTODON sẽ trở thành nơi trú ẩn cho người gặp nạn. Hệ thống cung cấp nơi trú ẩn tạm thời được trang bị các tấm pin mặt trời, tua bin gió và một hệ thống hứng nước mưa để cung cấp nước và tạo ra điện. Thùy Linh (Theo Inhabitat)Gián hỗ trợ công tác cứu hộ