Nước Đức thống nhất, chính quyền thay đổi, suốt 25 năm quan sát tôi thấy siêu thị to nhỏ mọc lên bốn cái thay cho hệ thống buôn bán không thuận tiện của Đông Đức, thêm một trung tâm khám chữa bệnh khá lớn và hai lần họ trùng tu hai trường trung học. Sự xây dựng luôn đập vào mắt tôi là việc nâng cấp và mở mới thêm các tuyến giao thông trong và ngoài thành phố, xây thêm một nhà ga tầu điện nhanh, xe hỏa để nối liền với Berlin.
Chỉ cần nhìn cái sự xây cất nơi đây cũng đủ đánh giá nước Đức xây cái gì và không xây cái gì khi nó còn sử dụng tốt. Ở Đức hơn hai mươi năm tôi nhận ra nhiều ưu điểm của dân tộc này. Một trong những điều đáng học là họ tiết kiệm, nhưng cũng rất dám chi các công trình hữu ích. Điều này lý giải vì sao sau đại chiến II, nước Đức có biết bao thành phố chỉ là đống gạch vụn mà bây giờ họ trở thành một cường quốc.
Trước khi có sự kiện nhà cầm quyền Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan lên biển của ta, ngành y tế trong nước lâm vào khủng hoảng dịch sởi, hơn trăm trẻ bị chết vì lây nhiễm chéo do nhiều bệnh viện thiếu giường bệnh, thiếu phương tiện đến bình thường như cái máy thở oxi. Ngành giáo dục cũng tương tự, ngay ở thủ đô mà nhiều trường học cũng phải chung đụng cơ sở. Ấy là chưa nói tới hàng nghìn xã huyện cơ sở trường lớp rất nghèo nàn, sập sệ.
Vậy mà gần đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có dự án "Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" với 10.800 tỷ đồng dự kiến đầu tư giai đoạn 2012-2020 để xây, sửa nhà hát, rạp chiếu phim, nhà triển lãm...
Khi còn sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn mọi người thực hành tiết kiệm. Theo tôi hiểu, sự tiết kiệm ở đây như cách làm của thành phố Teltow nơi tôi sống, xây cái gì cần, đáng xây nhằm thúc đẩy kinh tế và đời sống dân sinh.
Bấy nay tôi về nước đi tới đâu cũng thấy các quan đầu tỉnh, đầu huyện đua nhau làm trụ sở ủy ban, nay lại đang rộ lên phong trào xây nhà hát. Những công trình hàng tỷ đồng mà giá trị sử dụng trên thực tế rất kém hiệu quả. Lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long xây Bảo tàng Hà Nội còn chềnh ềnh rỗng tuếch kia. Trung tâm Mỹ Đình cũng bao la vô cùng và hôm nay đâu có thiếu chỗ cho ca hát. Ở Hà Nội có Cung hữu nghị Việt Xô cũ nay cũng chỉ làm nơi cho thuê cưới xin...
Nước ta còn nghèo, chưa giàu có như nước Đức, biết bao người bệnh đang cần giường, biết bao trẻ em cần nơi ăn học tử tế. Lại hôm nay nhà cầm quyền Trung Quốc đang xâm lấn và quấy rối biển đảo. Vậy liệu chúng ta có đang tâm ngồi nghe hát ở những nhà hát lộng lẫy để trẻ em lại chết dịch hàng loạt vì lây nhiễm chéo do thiếu giường bệnh không? Có đang tâm không khi hàng chục nghìn trẻ em vẫn thiếu trường học tử tế? Có đang tâm không khi ngư dân và những chiến sĩ cảnh sát biển có thể bị hy sinh nhiều khi thiếu phương tiện tàu thuyền hay vũ khí hiện đại?
Còn nhớ chuyện vua Lê Thái Tông đề nghị sửa sang nhà nhạc sau khi chiến thắng quân Minh, Nguyễn Trãi đã khuyên can: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc.... Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cỗi gốc của nhạc vậy".
Đành rằng đầu tư vào nhà hát là đầu tư vào văn hóa có lợi lâu dài cho nhân dân, song ở tình hình như tôi nói trên thì dự án như vậy có làm nên cái thanh âm của văn hóa không? Tôi hy vọng, tiền sẽ được đầu tư vào ba việc tôi nêu trên, như vậy cũng là giữ cái gốc của nhạc, làm cái thanh âm đích thực cho muôn dân, như lời dạy của vị anh hùng Nguyễn Trãi.
Nguyễn Văn Thọ